Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đẩy mạnh công tác khoa giáo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột

09:45, 21/08/2015

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu, đề xuất với Thành ủy các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ liên quan đến công tác khoa giáo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Ngô Trọng Yêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột cho biết, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tích cực tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy ban hành, triển khai thực hiện những chỉ thị, nghị quyết, công văn của Trung ương và địa phương đối với lĩnh vực công tác khoa giáo; đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, cá nhân tiêu biểu trên lĩnh vực công tác khoa giáo. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát giữa Ban Tuyên giáo với các ngành trong khối khoa giáo từ thành phố đến cơ sở được quan tâm thường xuyên. Công tác giao ban được tổ chức định kỳ với những nội dung có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã nắm bắt kịp thời tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng ngành để tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời hoạt động trên lĩnh vực khoa giáo của thành phố... Với cách làm như trên, Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột đã kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể góp phần thực hiện tốt công tác khoa giáo trên địa bàn như: việc xây dựng, đánh giá và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể nhất là ở các trường mầm non, tiểu học, cơ sở giết mổ gia súc; kiểm tra việc sử dụng các thiết bị y tế của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; công tác cải cách hành chính và việc tham gia BHXH, HBYT, BHTN của các đơn vị; đề xuất, công nhận các hội đặc thù… Nhờ vậy, hoạt động của các ngành trong khối khoa giáo đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

giao ban khoa giáo.jpg
TP. Buôn Ma Thuột tổ chức giao ban công tác khoa giáo.

Cụ thể, trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng Khoa học - Công nghệ thành phố, qua đó, đã triển khai thực hiện các đề tài khoa học về xây dựng cánh đồng mẫu lúa thảo dược và lúa chất lượng cao xã Ea Kao; nhãn hiệu chứng nhận cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú; chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về giống mới, chuyển đổi cơ cấu cấy trồng vật nuôi cho nông dân. Công tác giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học; tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, tập trung kiểm tra cấp phép hoạt động các nhóm trẻ tư thục, cấp phép thành lập nhóm trẻ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường Chuẩn quốc gia theo lộ trình; tăng cường quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm… Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; tổ chức tiêm phòng đầy đủ, kịp thời; cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế công cộng, khám chữa bệnh cho người dân; tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở… Đồng thời, thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công, các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em được tăng cường. Ở lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị, đã duy trì giao ban khối Tư tưởng – Khoa giáo, báo cáo viên định kỳ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vận động đảng viên thực hành tiết kiệm giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, đến nay đã huy động được trên 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 178 gia đình đảng viên khó khăn.

Hoạt động của các ngành trong khối khoa giáo đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của thành phố đạt 12,4%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 53,4 triệu đồng/năm, thu ngân sách ước đạt 1.320 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%.

Để nâng cao hiệu quả công tác khoa giáo, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tăng cường công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khoa giáo; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong khối khoa giáo nhằm khảo sát nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy xây dựng các báo cáo sơ, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực công tác khoa giáo. Đồng thời, tham mưu với cấp ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp có nội dung liên quan đến công tác khoa giáo...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.