Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn Nhật Bản trên vùng đất cao nguyên

09:35, 16/09/2015

Đến nay, Đắk Lắk là một trong những tỉnh, thành phố nhận được sự hợp tác, đầu tư tích cực và có hiệu quả từ Chính phủ Nhật Bản, qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

Ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp bà Kiyo Rokutanda - Trưởng Ban Chính trị Đại sứ quán Nhật Bản đến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk vào cuối năm 2014.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp bà Kiyo Rokutanda - Trưởng Ban Chính trị Đại sứ quán Nhật Bản đến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk vào cuối năm 2014.

Theo Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch – Đầu tư), từ năm 1996 đến nay, được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là Cơ quan Hợp tác - Phát triển Nhật Bản (JICA), Đắk Lắk đã tiếp nhận 30 chương trình/dự án đầu tư vào các lĩnh vực thủy lợi, cấp nước, giao thông và điện lưới với tổng mức đầu tư hơn 597 tỷ đồng. Đây là những chương trình/dự án ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổng Lãnh sự quán và các tổ chức tín dụng chuyên ngành của nước bạn. Trong đó, UBND tỉnh đang quản lý 9 dự án và hiện có 8 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và sử dụng (1 dự án đường giao thông liên huyện Ea H’leo-Krông Năng đang tiếp tục triển khai), đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. 

Đối với viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO), từ năm 2005-2015, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Đắk Lắk 7 khoản để xây dựng các công trình: Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Ea Kênh-Krông Pắc), Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Cư Mốt-Ea H’leo), Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Tu-TP. Buôn Ma Thuột), Phân hiệu thôn Bình Minh-Trường Tiểu học Ea Tir (Ea H’leo), 8 phòng học và sân bê tông Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Hòa Lễ-Krông Bông), hệ thống cấp nước sinh hoạt buôn Kuaih (xã Ea Kênh-Krông Pắc) và Chương trình phổ cập Kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, nguồn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản (FDI) ngày càng có xu hướng gia tăng. Đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk có 2 dự án FDI do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn hơn 82,2 triệu USD. Đó là dự án trồng hoa xuất khẩu do Công ty TNHH Liên kết Nông dân và Công ty Nico Ya Sai làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học do Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học MS Việt Nam thực hiện. Các dự án trên đang trong quá trình xúc tiến thuận lợi với sự hợp tác chặt chẽ, đáng tin cậy và có trách nhiệm của chính quyền tỉnh Đắk Lắk.

Ngài Satoshi Nakajima - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cắt băng khánh thành  công trình cấp nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số buôn Kuaih (xã Ea Kênh - Krông Pắc).
Ngài Satoshi Nakajima - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cắt băng khánh thành công trình cấp nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số buôn Kuaih (xã Ea Kênh - Krông Pắc).

Ngài Satoshi Nakajima - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Hiện nay, số lượng công dân Nhật Bản sinh sống tại Đắk Lắk chưa nhiều, nhưng hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào đây khi Quốc lộ 14 - tuyến đường nối Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh được hoàn thiện. Theo đó, nếu tuyến Quốc lộ 27 từ Đắk Lắk đến thành phố Đà Lạt-Lâm Đồng được nâng cấp, mở rộng  hơn thì sẽ có nhiều du khách Nhật đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào vùng đất giàu bản sắc và tiềm năng này… Trong nhiều lần đến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk, ngài Tổng lãnh sự cho biết về hợp tác kinh tế, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất với trên 2000 dự án và hơn 33 tỷ USD vốn đăng ký. Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. 20 năm qua, vốn tín dụng ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt hơn 22 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ của Nhật Bản chuyển sang đầu tư tại thị trường Việt Nam, nơi có sự ổn định về chính trị, xã hội. Ngoài ra, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn ngoại giao cấp cao và một trong năm vấn đề lớn mà hai bên đã thống nhất, ưu tiên là hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam về khoa học-công nghệ; kinh nghiệm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đây là chủ trương rất quan trọng để nâng cao đời sống của người dân Việt Nam ở khu vực nông thôn, trong đó có Đắk Lắk.

Cùng với sự gia tăng hợp tác, đầu tư về kinh tế, thương mại... thì vấn đề quan hệ, giao lưu văn hóa Việt - Nhật cũng được chú trọng và ngày càng trở nên mật thiết giữa nhân dân hai nước vốn có sự tương đồng về văn hóa và tập quán… Thời gian qua, nhiều chương trình giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản giữa các học viên Trung tâm ngoại ngữ Newstar-Đại học Tây Nguyên với các sinh viên Nhật Bản sang  Đắk Lắk thực tập trong lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên được tổ chức nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, hay sự kiện chính trị-xã hội quan trọng diễn ra tại địa phương. Đặc biệt trong năm 2015, lưu học sinh, sinh viên Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh và  Đại học Tây Nguyên đã tổ chức giao lưu văn hóa-văn nghệ nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V vào đầu tháng 3 vừa qua. Và gần đây nhất, ngày 4-9-2015, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình giao lưu Văn hóa Việt-Nhật nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21-9-1973 - 21-9-2015) đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp khó phai đối với các vị khách quý, các bạn sinh viên Nhật Bản và sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Có thể nói, qua 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, có chiều sâu trên nhiều lĩnh vực và hiện nay đã được Chính phủ hai nước nâng lên tầm cao mới là “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh Châu Á”. Với Đắk Lắk, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã nỗ lực không ngừng để bồi đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt. Đồng thời, thông qua mối quan hệ, tích cực kết hợp quảng bá hình ảnh Đắk Lắk đến với mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đến du lịch, nghiên cứu, học tập và tìm kiếm cơ hội đầu tư hướng đến mục đích như nhân dân, Chính phủ hai nước đã xác định: vì hòa bình, phồn vinh và thịnh vượng.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.