Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương
Trong 2 ngày 28 và 29-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 địa phương trong cả nước để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2015, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2015.
Theo đó, tình hình KT-XH tiếp tục có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Trong 14 chỉ tiêu phát triển KT-XH có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15-12 đạt 884,755 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.064,51 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP.
Trong năm, tăng trưởng GDP của nước ta đạt khoảng 6,68%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 và cao hơn mục tiêu đề ra (6,2%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,44 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014; nhập siêu khoảng 3,17 tỷ USD, bằng gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu đánh giá tình hình phát triển KT-XH năm 2015. |
Trong năm 2015, cả nước có khoảng 94.754 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 601.519 tỷ đồng, có 21.506 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 9.467 doanh nghiệp giải thể. Trong năm đã tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người, trong đó, xuất khẩu lao động được khoảng 115 nghìn người, tăng 8,5% so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 2,31%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%.
Lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế dự phòng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền được triển khai tích cực và đạt kết quả tốt…
Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của các bộ, ban, ngành, các địa phương trong nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015. Thủ tướng cũng cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo, dự thảo Nghị quyết và đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu trong đóng góp ý kiến; đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, bổ sung vào nội dung dự thảo nghị quyết để triển khai ngay từ đầu năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. |
Về những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2016, Thủ tướng cho rằng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới là nhu cầu tất yếu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức; bám sát tình hình thực tế để đề ra những giải pháp kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trước hết, phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm và tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó tập trung đột phá đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Huy động các nguồn lực triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc