Multimedia Đọc Báo in

Thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

19:16, 24/01/2016
Ngày 24-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ tư. 
 
Trong buổi sáng, tại các đoàn, đồng chí trưởng đoàn phổ biến với đoàn về báo cáo của Đoàn Chủ tịch về những thông tin cần thiết trong danh sách giới thiệu nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị (nếu có). Các đại biểu nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (chính thức và dự khuyết) do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị. 
 
Trong buổi chiều, các đại biểu trao đổi tiếp về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và nghiên cứu các tài liệu hồ sơ về nhân sự. Các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. 
 
Đoàn Chủ tịch nghe các đồng chí trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
 
Được biết, đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (nếu có) vào sáng 25-1, Đoàn Chủ tịch sẽ họp để xem xét các trường hợp xin rút. Đại hội thực hiện quy trình biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút trong buổi chiều cùng ngày để ngày 26-1 chính thức bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 
 
Trước đó, vào chiều 23-1, trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. 
Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội XII của Đảng. Ảnh: ĐCSVN
Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội XII của Đảng. Ảnh: ĐCSVN
Yêu cầu, tiêu chuẩn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
 
Trả lời phỏng vấn trước thềm Đại hội XII của Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XI nhấn mạnh: Để xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đặt ra 4 yêu cầu:
 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải thật sự là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí, hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
 
Có số lượng và cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng. Bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục.
 
Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm... cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại, gây rối nội bộ.
 
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng 3 nhóm tiêu chuẩn:
 
Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
 
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
 
Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ. 
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
 
Để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu hợp lý để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan trọng yếu của Nhà nước ở Trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, không nhất thiết địa phương nào, lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở tính toán, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dự kiến là 200 đồng chí, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết (khóa XI có 175 Ủy viên chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết); số lượng tái cử dự kiến khoảng 55-60% (đổi mới khoảng 40-45%).
 
Để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó dưới 50 tuổi dự kiến 15-20%; từ 50-60 tuổi dự kiến 65-70%; trên 60 tuổi dự kiến 5-10%. Phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ trên 10% (khóa XI là 8,13%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 4-6% (khóa XI là 2,2%), cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 9-10% (khóa XI là 8,75%). 
 
Ngoài ra, có cơ cấu một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia, đây cũng là một nét mới trong công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2020.
 
Hồng Hà (Theo ĐCSVN, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.