Đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở
Với quan điểm Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là thành viên của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng cơ sở đã tuyên truyền nâng cao nhận thức và làm đúng vai trò hạt nhân lãnh đạo của mình. Cấp ủy cơ sở đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, xây dựng HĐND và UBND, tạo điều kiện để HĐND cấp xã thực hiện chức năng lãnh đạo và giám sát hoạt động của UBND cấp xã về việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của cấp ủy cấp mình, nhất là lĩnh vực sử dụng đất đai, quỹ công, tài sản công… kịp thời phát hiện, uốn nắn những vấn đề tồn tại, giúp cho UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao. Hoạt động của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn đã dần đi vào nền nếp, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, việc xây dựng văn phòng “một cửa” và “một cửa liên thông” đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được chú trọng, quyền làm chủ của nhân dân được khơi dậy và phát huy trong các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở từng bước được nâng lên cả về chuyên môn và lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc được giao, chủ động hơn trong công tác, xử lý tốt các tình huống nảy sinh từ cơ sở, có tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng cơ sở ngày càng vững mạnh. Theo thống kê, tổng số cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh hiện có 4.267 người; trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ học vấn THPT chiếm 88,19%, THCS 11,32% và tiểu học chỉ còn 0,49%. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ trung cấp cao nhất với 49,36%, đại học chiếm 18,05%, cao đẳng 8,04%. Về lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 3,52%, trung cấp 46,82%, sơ cấp 19,71%.
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn còn yếu, nhất là việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tế địa phương ở một số nơi còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền ở một số cơ sở còn thiếu năng động, nhạy bén, chậm đổi mới, có nơi còn biểu hiện trông chờ, quan liêu, bao cấp, thiếu dân chủ. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở nhìn chung còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay, còn 0,49% cán bộ công chức cấp xã mới có trình độ tiểu học; 3,14% cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và 29,95% chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Chế độ, chính sách cán bộ công chức ở cơ sở còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nguồn cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ về cơ sở công tác.
Để đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở; thiết nghĩ trong thời gian đến các cấp ủy đảng trong tỉnh cần nhận thức đúng vai trò của chính quyền cơ sở, đây là cấp thấp nhất, nhưng lại là cấp gần dân nhất trong bộ máy chính quyền của Nhà nước, là đầu mối quan trọng đóng vai trò trực tiếp truyền tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và tiếp thu ý kiến của nhân dân gửi đến Đảng và Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; công khai các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Lãnh đạo chính quyền cơ sở phải cụ thể hóa các chủ trương chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi cơ sở. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm để nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể một cách thiết thực. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND cấp xã, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với chính quyền ở cơ sở; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, kịp thời phản ánh những vấn đề tồn tại ở cơ sở để đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong cộng đồng dân cư, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày thành điểm nóng. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở vững vàng về nhận thức chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở, nhất là trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý Nhà nước, quản lý đất đai, vấn đề dân tộc, tôn giáo… cho đội ngũ cán bộ này. Chú trọng bồi dưỡng theo chức danh và kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở. Thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh về đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chính quyền cơ sở, để số cán bộ này vừa có điều kiện tiếp cận nắm bắt thực tiễn vừa để giúp cơ sở xây dựng, tạo nguồn cán bộ.
Nguyễn Phú Lập
Ý kiến bạn đọc