Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp

10:10, 25/04/2016

Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh hiện có 82 tổ chức cơ sở đảng, gồm 35 doanh nghiệp (DN) Nhà nước (22 DN 100% vốn Nhà nước, 13 công ty cổ phần có vốn Nhà nước trên 50%) và 47 DN ngoài khu vực Nhà nước (37 công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% và 10 Công ty TNHH tư nhân). Tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ đến nay có 2.598 đồng chí, trong đó đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước là 767 đồng chí, chiếm 29,5% tổng số đảng viên của đảng bộ.

Theo đồng chí Đoàn Thị Biên, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh thì trong bối cảnh đất nước có những thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt, nhất là nền kinh tế chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường; phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm… đã khiến hoạt động Đảng, đoàn thể trong DN có phần bị xem nhẹ. Chính vì vậy, những kết quả phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong DN của Đảng bộ khối thời gian qua có thể xem là khá tích cực. 

Thời gian qua, việc triển khai công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể và phát triển đảng viên trong các DN ngoài khu vực Nhà nước luôn nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương. Cụ thể, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996 về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài”; ngày 29-7-2010, Ban Bí thư đã có Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới. Riêng tại Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU, ngày 17-11-2009 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh ban hành Chương trình hành động số 02-Ctr/ĐUK, ngày 1-8-2011 trong công tác xây dựng Đảng

Mặc dù vậy, đồng chí Đoàn Thị Biên vẫn nhìn nhận việc xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể và phát triển Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, toàn Đảng bộ chỉ kết nạp được 277 đảng viên, trong đó khối DN tư nhân chỉ kết nạp được 20 đồng chí. Và riêng trong năm 2015, Đảng bộ phát triển thêm 44 đảng viên, trong đó DN tư nhân chỉ kết nạp được 4 đồng chí. Mở rộng vấn đề hơn, đồng chí Đoàn Thị Biên cho biết, so với số lượng 3.122 DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thì tỷ lệ DN có tổ chức cơ sở đảng chỉ chiếm 1,5%. Còn nếu so với 6.160 DN ngoài khu vực Nhà nước hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ DN có tổ chức cơ sở đảng “khiêm tốn” hơn nữa, chỉ chiếm 0,8%.

Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh tặng giấy khen các tập thể, cá nhân tiêu biểu điển hình trong học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh tặng giấy khen các tập thể, cá nhân tiêu biểu điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, hầu hết các DN đều rất “ngại” khi nhắc đến công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Thậm chí có người còn nói thẳng: “Nếu muốn bàn về hướng phát triển kinh tế, làm gì để nâng cao đời sống cho người lao động… thì tôi sẵn sàng. Chúng tôi còn có nhiều việc phải lo hơn nên công tác phát triển Đảng tạm thời chưa nghĩ đến!”(?). Lý giải vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhi, Chánh Văn phòng Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh phân tích: Phần lớn các DN ngoài khu vực Nhà nước chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng nêu không “mặn mà” với công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của họ là sản xuất kinh doanh sao cho có lãi. Trong khi đó, ở khối các DN Nhà nước cũng có nhiều yếu tố khách quan khiến công tác xây dựng Đảng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, một số ít DN thì không còn nguồn để phát triển đảng. Trong khi đó, nhiều DN có rất đông công nhân, người lao động nhưng đa số họ lại không có nguyện vọng vào Đảng với rất nhiều lý do như: Mất thời gian đi học nghị quyết, sinh hoạt chi bộ; bị phê bình, kiểm điểm nếu không hoàn thành nhiệm vụ…

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác xây dựng Đảng gặp khó khăn, theo đồng chí Đoàn Thị Biên là do các tổ chức công đoàn trong DN nói chung và DN ngoài khu vực Nhà nước hiện đang thuộc sự quản lý của tổ chức công đoàn ngành dọc hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nên khó khăn trong việc tiếp xúc với chủ doanh nghiệp để phát triển tổ chức đảng, đoàn thể tại DN. Nhiều DN đã có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ nhưng vẫn chưa vận động thành lập được. Ngoài ra, đồng chí Đoàn Thị Biên cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Vì nhiều nguyên nhân, công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước cũng chưa được Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh triển khai một cách chủ động”.

Để công tác phát triển đảng trong các DN đạt chất lượng và hiệu quả cao, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng trước mắt là tập trung chỉ đạo thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể ở các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, sản xuất kinh doanh ổn định, có chiều hướng phát triển; lựa chọn kết nạp vào Đảng những quần chúng thực sự ưu tú nhằm tạo sự lan tỏa tích cực đến người lao động, cơ quan, DN. Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và người lao động của các DN ngoài khu vực Nhà nước về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng. Theo đồng chí Đoàn Thị Biên, vấn đề quan trọng là phải xây dựng tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chủ DN. Cấp ủy Đảng cần phải coi trọng và nâng cao nhận thức chính trị cho đảng viên, người lao động; tạo sự đồng thuận, chia sẻ những khó khăn giữa chủ DN và người lao động. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức đảng, các đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của DN, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và chủ DN.

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.