Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở

09:10, 09/05/2016

Đảng bộ tỉnh hiện có 22 đảng bộ trực thuộc, gồm 805 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, 5.226 chi bộ ở tất cả các loại hình. Trong thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ, coi đây là nhiệm vụ, một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về "nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU ngày 22-11-2007 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCS đảng; gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các bí thư chi bộ, chi ủy viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với hoạt động của chi bộ, đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo tăng cường việc đi cơ sở của cấp ủy cấp trên để nắm tình hình, từ đó tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo sát đúng với thực tiễn. Đối với các địa bàn nơi biên giới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 741-QĐ/TU ngày 21-3-2013 về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, buôn các xã biên giới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt chi bộ. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã ban hành Nghị quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh đó, hằng năm Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã cử cán bộ tham gia sinh hoạt với một số chi bộ thôn, buôn có tính đặc thù (đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, di cư tự do…).

 Nhờ làm tốt việc quán triệt, hướng dẫn nên đại đa số các chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sinh hoạt, nội dung sinh hoạt chi bộ đa dạng, dân chủ được phát huy, khơi gợi được tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. 

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn những hạn chế: một số chi bộ chưa duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, nhất là các loại hình chi bộ doanh nghiệp, chi bộ xã vùng sâu, vùng xa, các đơn vị có địa bàn hoạt động phân tán, lưu động; một số chi bộ chưa chú ý sinh hoạt chuyên đề; thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa thường xuyên, còn nể nang, né tránh, nhất là các chi bộ ở khu vực cơ quan hành chính, trường học. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở nhiều chi bộ chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác quản lý đảng viên ở một số nơi chưa chặt chẽ...

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt ở chi bộ, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức trong cấp ủy và đảng viên về ý nghĩa và sự cần thiết về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Các chi ủy mà đứng đầu là đồng chí bí thư cần nắm vững về mục đích, yêu cầu, nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi loại hình chi bộ; phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nền nếp, nội dung và chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 Lê Năng Hảo

(Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.