Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ họp trực tuyến phiên thường kỳ tháng 6

20:53, 30/06/2016

Chiều 30-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2016.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan trong tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến (Ảnh chụp qua màn hình).  Ảnh: Hoàng Gia

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao hơn nhiều so với năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán; tổng vốn đầu tư xã hội đạt khoảng 618,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP ước tăng 5,52%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82,24 tỷ USD...

Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh, phúc lợi và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.

a
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk.  Ảnh: Hoàng Gia

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo cuối năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp lớn là: Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, tăng cường công tác xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Thực hiện các giải pháp, chính sách về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để định hướng dư luận theo hướng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, khơi dậy làn sóng khởi nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Ngày mai (1-7), Chính phủ tiếp tục phiên họp với phần thảo luận của các bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đã được nghe các bộ, ngành có liên quan trình bày một số nội dung như: Báo cáo về tình hình triển khai và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm 2016; báo cáo về việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế thay cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước; báo cáo tình hình liên quan đến việc Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tác động đến Việt Nam; báo cáo về tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2016.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.