Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Với tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã thể hiện rõ và sâu sắc tư duy mới, quyết tâm đổi mới của Đảng và nhân dân ta về dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và thực hành, phát huy dân chủ XHCN.
Có thể thấy, phát huy dân chủ XHCN là một trong những nội dung bao trùm của các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Lần đầu tiên, phát huy dân chủ XHCN được Đảng ta khẳng định là một trong những thành tố hợp thành chủ đề Đại hội và cũng là thành tố trong tiêu đề của Báo cáo chính trị: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nội dung dân chủ XHCN, tinh thần dân chủ XHCN được thể hiện xuyên suốt, nhuần nhuyễn, sâu sắc trong toàn bộ các văn kiện của Đại hội cũng như trong từng mục nội dung cụ thể của các văn kiện, nhất là trong Báo cáo chính trị. Cũng lần đầu tiên, trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã dành một mục riêng (mục XIII của Báo cáo chính trị: Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân) để trình bày, đánh giá một cách sâu sắc tình hình, thành tựu, hạn chế; nguyên nhân của thành tựu, hạn chế và các phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định và diễn đạt chuẩn xác bài học về vai trò của nhân dân và vai trò của dân chủ XHCN trong đổi mới, phát triển đất nước. Bài học thứ 2 (trong 5 bài học được rút ra từ thực tiễn 30 năm đổi mới), Đảng ta khẳng định: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”. Trước đây ta thường nói lấy dân làm gốc, lần này nói dân là gốc. Đây là sự kết tinh tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và bài học sâu sắc từ chính thực tiễn 30 năm đổi mới.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: ĐCSVN |
Thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là việc làm cần được chú trọng. Trong đó phải bao gồm việc quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ của Đảng, Nhà nước; trang bị lý luận về dân chủ, nhân quyền, kinh nghiệm dân chủ, kỹ năng, thái độ, phẩm chất, năng lực làm chủ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức giáo dục, phổ biến, tuyên truyền về dân chủ phù hợp với từng loại đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy dân chủ hóa XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội; bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm mọi quyết định của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến; bảo đảm để nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện. Xây dựng các cơ chế, chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trên cơ sở giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; bổ sung, hoàn thiện các thể chế, chính sách xây dựng con người và phát triển nền văn hóa Việt Nam XHCN đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững đất nước; bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện phát triển xã hội bền vững, đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN; xây dựng, ban hành quy chế dân chủ trong sinh hoạt Đảng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế bầu cử, chất vấn trong Đảng, tiến tới xây dựng, ban hành luật về hoạt động lãnh đạo của Đảng. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước; cơ chế công khai tài sản, giải trình, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân của Đảng, Nhà nước; cơ chế ngăn ngừa lạm quyền, trừng trị quan liêu, tham nhũng; nguyên tắc bầu cử có số dư, có cạnh tranh; cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn, từ chức, cách chức...
Mặt khác, cần đẩy mạnh việc thực hành dân chủ XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước. Cụ thể là, cần quyết liệt, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, bảo đảm: giải quyết hài hòa các quan hệ về lợi ích; kinh tế Nhà nước thực sự “giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật”; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; khuyến khích, tạo thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp để phát triển sản xuất… Tổ chức xây dựng, thiết lập các điều kiện xã hội và thực hiện dân chủ XHCN trong đời sống xã hội với mô hình phát triển xã hội bền vững, đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN; quan tâm giải quyết và giải quyết có hiệu quả bằng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật những vấn đề xã hội, tạo ra các bảo đảm xã hội để mọi người dân đều được thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới và có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện. Tích cực thực hiện đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị mà trọng tâm là đổi mới, dân chủ hóa tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Cần phân biệt, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đề cao vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, đổi mới, dân chủ hóa hệ thống chính trị. Giải quyết hài hòa, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm; dân chủ với tập trung; dân chủ với kỷ luật, kỷ cương; giữa dân chủ với chuyên chính; giữa “xây” và “chống” trong quá trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị. Chú trọng áp dụng các bộ tiêu chí khách quan đo lường dân chủ như chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hay chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)… Cần tăng số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được thành lập bằng con đường thi tuyển công khai và bầu cử dân chủ, bầu cử có số dư, bầu cử có cạnh tranh. Dựa vào dân, dùng sức mạnh của toàn dân và toàn hệ thống chính trị để chống quan liêu, tham ô, tham nhũng. Chỉ khi huy động được sự tham gia của lực lượng nhân dân rộng rãi thì cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, chống suy thoái mới có thể có kết quả thực sự và việc thực hiện dân chủ XHCN mới đi vào thực chất.
Anh Tuấn - Minh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc