Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Những dấu ấn tạo nên sự thành công (Kỳ II)
11:04, 05/07/2016
[links(left)]
Kỳ II: Những thành công của cuộc bầu cử
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao đạt 99,35% thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm cao của công dân trong việc đi bầu lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tham gia chính quyền các cấp, cũng là minh chứng cho sự thất bại của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử. Kết quả này khẳng định sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng; việc đóng góp ý kiến, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng; tổ chức vận động bầu cử; đến việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp có nhiều đổi mới, bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật. Hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia giúp cho công tác chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn bầu cử kịp thời, chỉ tiết, cụ thể hơn, tạo điều kiện cho các địa phương, cơ sở thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện; công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, thiết thực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất thường xảy ra. Kết quả bầu cử cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, bảo đảm thành phần, cơ cấu đại biểu phù hợp với dự kiến, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, cơ bản phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu được nâng lên… Kết quả bầu cử này góp phần xây dựng các cơ quan đại diện có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả hơn.
Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp 2013 trong thời kỳ đổi mới.
Nguyên nhân thành công của cuộc bầu cử trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Bộ Chính trị và cấp ủy đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử; sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước vào công tác chuẩn bị bầu cử, sự hăng hái đi bầu và trách nhiệm trong từng lá phiếu để lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình; sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, các ngành, các cấp cụ thể là Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Một yếu tố nữa là sự chủ động tham mưu, giúp việc phục vụ bầu cử đã bảo đảm cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò động viên nhân dân tích cực tham gia vào cuộc bầu cử, thực hiện tốt công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử, tổ chức tốt vận động bầu cử; chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác, chuẩn bị các cơ sở, vật chất, kỹ thuật thuận lợi cho cuộc bầu cử…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này vẫn còn một số hạn chế như: Vẫn có trường hợp để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ suất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu. Nhiều nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cần bầu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay. Một số cơ cấu chưa đạt được như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài Đảng; nhiều người do Trung ương giới thiệu không trúng cử ở một số tỉnh, thành phố như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Phú Yên. Một số ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội không trúng cử trong hiệp thương lần thứ ba mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm chưa hoàn toàn được dư luận đồng tình. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất, có nơi tổ chức ít, có nơi tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc gây tâm lý cho người ứng cử. Một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan trung ương chậm được ban hành, một số biểu mẫu thống kê có sự điều chỉnh bổ sung trong khi có nhiều mẫu đã in phần nào đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương. Công tác tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia bỏ phiểu bầu cử còn chưa bám sát căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật làm cho một số bộ phận cử tri ở một số địa phương còn lúng túng trong việc nhận thức, hiểu chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cử tri.
Kinh nghiệm từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc bầu cử. Nơi nào có sự chỉ đạo sát sao, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng được phổ biến, quán triệt đầy đủ thì nơi đó công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, triển khai công việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, kết quả đạt cao. Sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chỉ đạo chuẩn bị bầu cử sẽ tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở trong việc tổ chức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử. Thêm vào đó là việc thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người dân về bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, nội dung phong phú trong từng giai đoạn chuẩn bị; việc bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong việc vận động khuyến khích người dân, cử tri cả nước tham gia vào các bước trong quá trình bầu cử để tạo không khí tin tưởng, phấn khởi đối với cuộc bầu cử, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của công dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.
Điều quan trọng nữa là phải bảo đảm thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để chọn lựa được những ứng viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các Tổ bầu cử, bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc trước ngày bầu cử, quán triệt đầy đủ nguyên tắc trong bỏ phiếu, kiểm phiếu. Bên cạnh đó, cần chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ các lực lượng an ninh, quốc phòng, dân phòng và toàn thể nhân dân để huy động tổng lực tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử. Thực hiện tốt chế độ báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở.
(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)
Ý kiến bạn đọc