Báo chí thế giới nói về những mốc son trong lịch sử Việt Nam 71 năm qua
Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số đánh giá khách quan của dư luận thế giới về những mốc son sáng chói trong lịch sử của dân tộc Việt Nam...
Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam là sự kiện đặc biệt ấn tượng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu |
Đó là nhận xét của nhà sử học người Na Uy S.Tonnesson viết trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (tạm dịch: Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong chiến tranh thế giới), ấn hành năm 1991. Theo cuốn sách này, cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một sự kiện đặc biệt ấn tượng, riêng Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam còn được xem là bản tuyên ngôn của một đường lối đấu tranh đúng đắn và mang tính nhân văn cao cả. “Chiến thắng 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ đối với dư luận mà nó còn mang tính biện chứng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tạo ra “cú hích” cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương cũng như trên toàn thế giới phát triển", cuốn sách nhấn mạnh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 làm thay đổi lịch sử
Tạp chí Diplomat của Nhật, ấn phẩm chuyên về đề tài chính trị châu Á, đã bình luận rằng Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Nam là một chiến thắng làm thay đổi lịch sử. Trước tiên, nó đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là bất khả chiến bại. Theo Diplomat, đã hơn 6 thập kỷ trôi qua nhưng âm vang Điện Biên Phủ mãi mãi là một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm anh hùng của dân tộc Việt Nam. Nó có sức cổ vũ lớn lao đối với phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Vào những năm 50 ở thế kỷ trước, báo chí Pháp không khỏi lạc quan về Điện Biên Phủ, thậm chí tờ Le Monde còn đăng tải cả bức thư chúc mừng năm mới của Navarre gửi binh lính Pháp, trong đó có cả những lời lẽ đầy ngạo mạn “Năm 1954 là năm chiến thắng của chúng ta”. Quân Pháp dường như đã quá tin vào chiến thắng mù quáng, nên khi thất bại họ trở thành đội quân tàn tạ nhất thế giới lúc bấy giờ.
Đồng ý kiến với Diplomat, nhà nghiên cứu chính trị C.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia viết: “Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải mau chóng chấm dứt sự dính líu ở Đông Dương cũng như ở Đông Nam Á”. C.Thayer còn cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp rằng Việt Nam đang sở hữu một nghệ thuật quân sự tài tình, có thể đánh bại mọi đội quân xâm lược và lịch sử Việt Nam đã chứng minh được điều này.
Một trong những trang sử vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam
Nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam (30-4-2015), tờ The Atlantic của Mỹ đăng phóng sự “The Vietnam War, as Seen by the Victors” (tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của du khách) của nhà báo Elizabeth Rosen. Với phóng sự này Elisabeth Rosen muốn đề cập đến những gì diễn ra cách đây 4 thập kỷ; đặc biệt là những thay đổi của Việt Nam sau 4 thập niên khi chiến tranh kết thúc. Theo tác giả, sự kiện 30-4-1975 được người Mỹ gọi là sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, còn người Việt Nam lại gọi là ngày thống nhất. Cuộc chiến tranh Việt Nam do người Mỹ phát động tại bán đảo Đông Dương đã qua hơn 4 thập kỷ nhưng Việt Nam vẫn kiên định với con đường Xã hội chủ nghĩa đã chọn. Việt Nam thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư, là một trong số những nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam không còn không khí chiến tranh, thậm chí ít thấy người ta bàn tán về cuộc xung đột Mỹ-Việt từng diễn ra trong quá khứ. Nếu du khách có hỏi người Việt Nam về các trải nghiệm liên quan đến thời chiến, họ thường hỏi lại là cuộc chiến nào, bởi từ khi giành độc lập người Việt đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, như cuộc chiến do người Pháp gây ra những năm 1940, cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ những năm 1960 cho tới cuộc chiến biên giới phía Bắc cuối thập niên 70 của thế kỷ 20.
Theo phóng sự này, chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những trang sử vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển đã đánh thắng một cường quốc mạnh nhất thế giới.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
“Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc đổi mới kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế”. Đó là nhận xét của Thomas Bass, tác giả hai cuốn sách nổi tiếng “Vietnamerica: The War Comes Home” và “The Spy Who Loved Us” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam hồi tháng 5-2016 và so sánh sự kiện này với chuyến thăm đặc biệt của ông Obama đến Cuba hồi tháng 3-2016 sau 55 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc đảo này.
Giàn khoan dầu khí Việt Nam. (Nguồn: baocongthuong.com.vn) |
Theo bài viết do BBC công bố, nhân sự kiện nói trên, Thomas Bass muốn đề cập đến những thành tựu to lớn của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Cả hai quốc gia đều chịu sự cấm vận nặng nề về kinh tế và đóng băng quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đặc biệt, Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, nhất là chính sách đổi mới kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế. Hiện tại Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 diễn ra ngày 5-12-2015, trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6% trong khi các nước trong khu vực chỉ đạt 5,6%. Quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi và hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD. Tỷ lệ thương mại theo GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 164%, cao nhất trong khối ASEAN, chỉ đứng sau Singapore. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hằng năm, hiện ước đạt khoảng 2.200 USD.
Nguyễn Khắc Nam
(Theo Net/BCNN)
Ý kiến bạn đọc