Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-3-2003 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”, trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ ở thôn, buôn, tổ dân phố (cán bộ thôn) gắn với công tác phát triển đảng viên ở cộng đồng dân cư; tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy viên; bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng cho cán bộ thôn.
Chính sách trợ cấp cho cán bộ thôn luôn được quan tâm. Hằng năm, tỉnh đều chi ngân sách địa phương để hỗ trợ cho cán bộ ở thôn, buôn, tổ dân phố với mức trợ cấp từng bước được nâng lên, kể từ năm 2010 cán bộ ở thôn cũng được tính mức sinh hoạt phí theo hệ số lương cơ bản, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ này.
Qua khảo sát, hiện toàn tỉnh có 7.415 cán bộ thôn (gồm các chức danh: bí thư chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố; trưởng thôn, buôn, tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận thôn, buôn, tổ dân phố); trong đó có 4.556 người là đảng viên (chiếm 61,44%), người dân tộc thiểu số chiếm 26,47%, người có đạo chiếm 2,71%. Về trình độ chuyên môn, có 3,66% có trình độ đại học, cao đẳng 1,47%, trung cấp 7,19%, sơ cấp 9,62%. Về lý luận chính trị, cử nhân, cao cấp 0,90%, trung cấp 11,60%, sơ cấp 22,63%, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ là 25,15%. Đội ngũ cán bộ thôn của tỉnh nhìn chung có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, luôn có ý thức phấn đấu trong công tác, học tập, rèn luyện và trưởng thành, tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Họ khá am hiểu phong tục tập quán, tâm lý đồng bào, biết giữ gìn và phát huy những điểm tốt, khắc phục những điểm lạc hậu, tiêu cực trong tập quán, tâm lý của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vận động quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh-chính trị ở các địa phương.
Tuy nhiên, trình độ, năng lực đội ngũ thôn nhìn chung còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; số cán bộ thôn chưa được đào tạo chuyên môn chiếm tỷ lệ khá cao (tới 77,98%), có 64,87% cán bộ thôn chưa được đào tạo về lý luận chính trị và 74,85% chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. Ở một số cán bộ thôn, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết cấp ủy cấp trên vào cơ sở còn yếu; việc phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, nhất là những điểm nóng về an ninh chính trị và an ninh nông thôn có lúc còn lúng túng, bị động.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện thực hiện quy chế làm việc, xác định rõ mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; làm tốt công tác xây dựng và tạo nguồn cán bộ thôn; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thôn nhằm trang bị những kiến thức căn bản về vận động, tập hợp quần chúng, vấn đề dân tộc, tôn giáo… Đối với cán bộ thôn người dân tộc thiểu số thì nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần gắn liền với thực tế theo hướng “cầm tay chỉ việc”, các kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở để họ có thể vận dụng được vào nhiệm vụ công tác đang đảm nhiệm. Bên cạnh đó, cần có chính sách trợ cấp, hỗ trợ phù hợp hơn đối với đội ngũ cán bộ thôn nhằm giúp họ an tâm công tác, chủ động nâng cao năng lực, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguyễn Phú Lập
Ý kiến bạn đọc