Multimedia Đọc Báo in

Dân vận khéo thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số

09:56, 18/10/2016

Huyện Ea Kar có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) có 9.960 hộ, chiếm 27,6%. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ea Kar đã đặc biệt chú trọng đến công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, góp phần giữ vững an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dân vận khéo giúp bà con phát triển kinh tế

Ở buôn Ea Buk (xã Ea Sô) trước đây, trong gần 100 hộ người Mông thì có khoảng 30% số hộ không có đất sản xuất và hộ khẩu. Họ thường gửi con cái ở nhà người quen trong buôn để đi theo những đối tượng xấu rủ rê làm ăn xa và chỉ quay về vào dịp cuối năm. Trước tình hình đó, năm 2015, Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar và Ủy ban MTTQVN huyện phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Ea Sô cử cán bộ tăng cường xuống buôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ. Mặt khác, Ban Dân vận cũng phối hợp với các đơn vị chức năng huyện tiến hành quy hoạch, cấp đất ở, đất sản xuất cho bà con. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong buôn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hộ khẩu, từng bước tăng gia sản xuất ổn định đời sống.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hướng dẫn người dân tộc thiểu số  buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) làm lúa nước.  Ảnh:  V. Cường
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hướng dẫn người dân tộc thiểu số buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) làm lúa nước. Ảnh: V. Cường

Những năm trước, cuộc sống của gần 200 hộ dân người Êđê ở buôn Chưng và buôn M’Um (xã Cư Bông) rất khó khăn do tập quán canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng đạt thấp. Năm 2013, Đảng bộ, chính quyền xã Cư Bông đã đổi mới cách tuyên truyền, cử cán bộ, đảng viên phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, đưa các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao để bà con ứng dụng… Nhờ đó, bà con nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhiều hộ còn tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế.

Già làng, người có uy tín đến thăm hỏi, động viên người dân thi đua lao động sản xuất.  Ảnh: N.Xuân
Già làng, người có uy tín đến thăm hỏi, động viên người dân thi đua lao động sản xuất. Ảnh: N.Xuân

Ông Vũ Như Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar cho biết, những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện được triển khai rộng khắp, cụ thể hóa thông qua hoạt động, phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điển hình như Ủy ban MTTQVN huyện với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ tích cực học tập - lao động - xây dựng gia đình hạnh phúc”; Công an huyện đẩy mạnh phong trào “Tiếng kẻng an ninh”…

Góp phần giữ vững an ninh chính trị

Theo ông Vũ Như Anh, để làm tốt công tác dân vận, hằng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã không ngừng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh liên quan đến công tác dân tộc; đẩy mạnh công tác đối thoại, gặp gỡ, thăm hỏi động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời kiến nghị với các cấp chính quyền xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng, thấu tình đạt lý... Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân tự giác vươn lên trong lao động sản xuất, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý những khó khăn, bức xúc ngay từ cơ sở, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar phối hợp với các ngành chức năng đã bóc gỡ được 35 đối tượng phản động do địch cài cắm trên trịa bàn. Mới đây, Ban Dân vận phối hợp với lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ huyện và các hội, đoàn thể tiến hành giáo dục, cảm hóa thành công 14 đối tượng thanh thiếu niên người dân tộc Êđê trú tại 6 buôn thuộc thị trấn Ea Kar quậy phá có tổ chức. Đến nay, các đối tượng này đã có việc làm ổn định, không còn quậy phá, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng ổn định.

Có thể nói, nhờ chú trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS đã tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng “thay da đổi thịt”; nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của bà con; giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tạo dựng niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Những năm qua, huyện Ea Kar đã vận động người dân đóng góp trên 155 tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Riêng từ đầu năm đến nay, nhân dân đã đóng góp trên 2 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.