Những trụ cột của buôn làng
Họ là những già làng, người có uy tín trong cộng đồng, cũng là những đảng viên gương mẫu, tiên phong đã góp công sức gây dựng và phát triển quê hương từ những ngày đầu sau giải phóng. Tuổi tác không là trở ngại cho lòng nhiệt huyết của họ, đến nay, dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn là những trụ cột vững chắc ở các buôn làng…
“Cây cổ thụ” buôn H’Wiê
Gần 70 tuổi, già làng Y Đoan Byă của buôn H’Wiê hiện vẫn đảm trách nhiều vai trò: Bí thư Chi bộ buôn, Chủ tịch Hội đồng già làng và đội trưởng đội Công tác 253 của xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Sinh ra, lớn lên và gắn bó sâu nặng với mảnh đất nơi đây, có quá nhiều dấu mốc trong cuộc đời của vị già làng đầy uy tín và trách nhiệm, được coi là “cây cổ thụ” ở buôn H’Wiê này.
Câu chuyện của chúng tôi gợi nhớ cho già về những tháng ngày hào hùng năm 1975. Ngay đêm trước giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, anh thanh niên Y Đoan cùng với một số ít những người có trình độ học vấn ở xã Ea Kao được học về 12 chính sách của cách mạng để tham gia công tác vận động, tuyên truyền. Sau ngày giải phóng 10-3-1975, Y Đoan hăng hái tham gia công tác của chính quyền cách mạng, trở thành Ủy viên Thường trực Ban tự quản xã 7 (tiền thân của UBND xã Ea Kao bây giờ), vận động những người tham gia chế độ cũ đi học tập cải tạo; tuyên truyền cho bà con về mục đích của giải phóng dân tộc, các chính sách của chính quyền cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ, vận động mọi người tham gia xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất…
Già Y Đoan dạy cho con cháu cách đánh chiêng. Ảnh: Đ.Thuần |
Không khí hăng hái, khẩn trương những ngày kiến thiết đất nước sau chiến tranh cuốn chàng thanh niên Y Đoan đi hết từ công việc này đến nhiệm vụ khác. Những năm 1978-1979, thực hiện nhiệm vụ vận động bà con định canh định cư, tham gia các tập đoàn sản xuất, Y Đoan và thanh niên các xã Ea Kao, Ea Tam, Hòa Xuân, Hòa Phú… khai hoang các nông trường từ Buôn Ma Thuột đến huyện Krông Ana, hình thành nên các cánh đồng rộng lớn buôn Đức, Cao Thắng, đắp đập xây hồ Ea Kao… Anh học sinh quen cầm bút nay cầm cày, cuốc, nai lưng đổ đất, đắp đập, be bờ mà không cảm thấy khó, thấy khổ, một lòng tin tưởng vào chính quyền cách mạng. Niềm tin ấy được anh truyền lại cho bà con trong buôn, trong xã, thuyết phục, vận động mọi người cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Sau này, Y Đoan đảm nhiệm nhiều vai trò, nhiệm vụ khác, như Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch HĐND xã Ea Kao… Ở cương vị nào, già Y Đoan cũng phát huy tốt uy tín và khả năng của mình, vận động nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa phương.
Về hưu năm 2012, với uy tín của mình, già Y Đoan vẫn tiếp tục gắn bó với công tác dân vận. Già tham gia vào hầu hết mọi mặt hoạt động ở địa phương, từ vận động bà con tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học nghề, xây dựng nông thôn mới đến hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp hoặc xâm nhập, nắm tình hình khi có bất ổn về an ninh chính trị trên địa bàn hay đến vận động các đối tượng cá biệt không nghe, không làm theo kẻ xấu.
Điều khiến già phấn khởi nhất là cuộc sống của người dân trong buôn, trong xã đã được cải thiện đáng kể. Buôn H’Wiê hiện có 222 hộ và 1.067 khẩu, chủ yếu trồng cà phê. Trong thời gian qua, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt có hàng chục hộ đã tham gia sản xuất cà phê bền vững. Buôn hiện có 190 hộ đạt gia đình văn hóa; buôn H’Wiê cũng đã đạt danh hiệu buôn văn hóa suốt 10 năm liên tục. Chi bộ của buôn cũng nhiều năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh.
Già Y Đoan cho hay: “Đến nay, buôn H’Wiê đã đạt được 12/14 tiêu chí nông thôn mới. Chi bộ buôn đã thảo luận và đề ra nhiều biện pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhất là tăng cường vận động đạt tiêu chí về môi trường; quyết tâm đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới”.
“Thư viện sống” của buôn Giắt B
Nghỉ hưu đã 4 năm nay nhưng đôi chân già Y Bhem Knul ở buôn Giắt B, xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) không chịu nghỉ ngơi. “Bận rộn nhưng vẫn thấy khỏe và vui các cô ạ!”, già Y Bhem tươi cười. Không bận rộn sao được khi già là người có uy tín của buôn Giắt B; bà con trong buôn xem già như “thư viện sống” của buôn, từ việc lớn đến việc nhỏ đều hỏi và nhờ già tư vấn. Ví như chuyện tranh chấp đất đai giữa các cá nhân, dòng tộc, cũng là những điều khoản pháp luật quy định nhưng già có cách đơn giản hóa trong phân tích, giảng giải, kết hợp dựa trên tập tục của buôn nên mọi người nghe rất dễ hiểu, thấu tình đạt lý.
Già Y Bhem Knul - người có uy tín của buôn Giắt B. Ảnh: H. Thủy |
Rồi cả việc lớn như thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, già cũng tận tình chỉ dẫn bà con. Những kiến thức thu thập được qua các dịp đi tham quan, học tập kinh nghiệm, già đều ghi chép cẩn thận rồi chia sẻ cho mọi người. Theo già, trồng loại cây gì, nuôi con gì không nên chạy theo phong trào, cần nghiên cứu xem có phù hợp với điều kiện canh tác và đặc biệt là nên tận dụng, phát huy đặc trưng, tiềm năng sẵn có của địa phương. Kinh nghiệm, những bài học về sản xuất thì già Y Bhem có cả một kho tư liệu bởi già đã hơn 10 năm gắn bó với công tác thư ký đội, chủ nhiệm hợp tác xã ngay từ những năm sau khi đất nước giải phóng. Từ sình lầy, bùn ngập ngang bụng, cánh đồng Bok Âc gần buôn bây giờ rộng hàng trăm héc-ta, canh tác được lúa nước 2 vụ là thành quả, công sức khai hoang, đắp đập thủy lợi của già và rất nhiều bà con trong buôn, trong xã. “Chỉ làm thủ công, giống mới chưa nhiều, ngày đó làm được 3 tấn lúa/ha đã là nức tiếng rồi!”, già Y Bhem nhớ lại. Mỗi khi đi qua cánh đồng, nhìn những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp, già lại thấy lòng phơi phới và thêm hứng khởi để động viên bà con tiếp tục thâm canh, tăng năng suất.
Đến việc quan trọng là học tập, già Y Bhem thường động viên các gia đình, các con các cháu tuyệt đối không được bỏ học. Không ít lần nhiều bậc làm cha làm mẹ đã đặt câu hỏi ngược lại với già rằng: nhiều người đi học xong rồi về vẫn làm nương, làm rẫy, chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, có được làm cơ quan nhà nước đâu mà phải học cho tốn tiền bạc và thời gian. Những lúc ấy, già suy nghĩ và vận động theo cách nói riêng của mình: học để nâng cao hiểu biết, không nhất thiết yêu cầu Nhà nước tạo việc làm, không nhất thiết cứ học để đi làm cán bộ. Có khi đi cấy, trồng cà phê cũng cần cái chữ; vì chỉ có học mới có khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến hiện nay cũng như nhận thức được mình đang làm gì và nên làm như thế nào cho hiệu quả. Chính cách thuyết phục ấy đã đả thông tư tưởng cho nhiều bậc phụ huynh, tạo động lực cho con cháu trong buôn đến trường.
Ngay cả những việc gọi là nhỏ, được coi là chỉ hợp với nữ giới, già Y Bhem cũng chẳng ngại ngần tìm hiểu rồi gần gũi, trao đổi chân tình với bà con, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo về tác hại của việc sinh đẻ không có khoa học dẫn đến đông con làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế gia đình. Được tham gia học lớp y khoa những năm trước giải phóng, có vốn kiến thức cơ bản cộng thêm tính ham đọc, già tận tình chỉ dẫn cho mọi người cách ăn ở sao cho hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Nói thì dễ nhưng thuyết phục cũng là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi phải tìm hiểu cặn kẽ để có cách vận động khéo léo vì liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của bà con. Theo già, để tuyên truyền vận động hiệu quả nên đi thẳng vào trọng tâm, không kéo dài sẽ gây ức chế tâm lý cho người nghe.
Già Y Bhem luôn tâm niệm: “Mình thật lòng yêu thương, quý trọng bà con thì chắc chắn bà con sẽ thương mình, quý mình và lắng nghe rồi làm theo những gì mình nói”. Tâm huyết của già Y Bhem đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của buôn Giắt B. Toàn buôn có 94 hộ thì 50% số hộ có kinh tế khá, giàu; trong buôn không có học sinh bỏ học; đã 6 năm liên tục Giắt B đạt danh hiệu buôn văn hóa.
Hồng Thủy - Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc