Chiến thắng 30-4-1975 qua góc nhìn báo chí thế giới
Chiến thắng 30-4-1975 là “dư chấn” rung động địa cầu
Đó là nhận xét của hãng tin Pháp AFP đưa ra ngày 1-5-1975 nói về chiến thắng 30-4 của quân đội cách mạng Việt Nam. Theo AFP, “không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện 30-4 có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần. Đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không bao giờ xảy ra một cuộc chiến tương tự nữa". Nhà sử học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện 30-4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù. Nó có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Để có được chiến thắng này, hàng triệu người dân Việt Nam đã phải ngã xuống trong nhiều thập kỷ cam go, quyết liệt”.
Với tựa đề “The Fall of Saigon: (Sài Gòn sụp đổ), tờ NewYork Times ngày 1-5-1975 chạy tít lớn trên trang nhất kèm theo hàng loạt tin ảnh về nói về sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng mà theo bài viết, ngày 30-4-1975 là ngày “lịch sử của thế giới”. 35 năm sau, vào ngày 30-4-2010, tờ NewYork Times lại đăng tải bài viết “On this day in history the fall of Saigon” (Ngày này 35 năm trước Sài Gòn sụp đổ) ôn lại sự kiện nói trên. New York Times nhắc lại những chiến thắng của quân đội cách mạng, cảnh rút chạy của người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975 và những giây phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Theo New York Times, đây là một trong những sự kiện nổi bật nhất của thế giới trong nửa cuối thế kỷ 20. Nó mở ra một trang mới cho lịch sử Việt Nam, giúp người Việt Nam thống nhất đất nước, tạo cho khu vực và thế giới một cơ hội mới để hòa bình, hội nhập và phát triển.
Bằng chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam
Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam thống nhất, tờ Pasason - tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào số ra ngày 29-4-2010 đã có bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tôn vinh tinh thần chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhân dân Việt Nam. Theo bài viết, nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã làm nên những câu chuyện thần kỳ giữa thế kỷ 20.
Đến nay, tiếng vọng và dư chấn về chiến thắng 30-4 vẫn tiếp tục vang xa và gây hiệu ứng lớn. Ví dụ, trong số ra ngày 1-5-2000, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã có bài xã luận sắc sảo “Việt Nam: Vinh quang và thiện ý”. Bài viết nhấn mạnh “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng cách mạng, điều đó có thể khẳng định thời của các nước lớn lấy thịt đè người nhằm bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt. Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã và đang giành được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Việt Nam không coi Mỹ là kẻ thù, mặc dù họ bị thiệt hại nặng nề. Chính điều này, Mỹ đã gỡ bỏ cấm vận, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từng bước được cải thiện".
TP. Hồ Chí Minh hiện là trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam. Ảnh: VGP |
Cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) số ra ngày 28-4-2015 đã có bài viết nói về Việt Nam sau 4 thập kỷ thống nhất. Bài viết nhấn mạnh về cuộc sống của người dân Sài Gòn xưa, nay là TP. Hồ Chí Minh. Theo tờ báo này, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, người Việt Nam không còn coi Mỹ là kẻ thù, kinh tế Việt Nam đang từng bước tăng trưởng. Bài báo nhấn mạnh: "TP. Hồ Chí Minh chú trọng nhiều hơn đến kinh tế, người dân cảm thấy tự hào về đất nước, về những gì đã đạt được, mọi người thấu hiểu cái giá của tự do độc lập".
Từ vùng chiến sự ác liệt, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn
Đó là nội dung bài viết đăng trên tạp chí du lịch Cntraveler.com của Mỹ nói về tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi chiến tranh từng diễn ra ác liệt cách đây hơn 4 thập kỷ. Bài viết kèm theo những bức ảnh sinh động minh hoạ, nói về tiềm năng du lịch tuyệt vời của thành phố miền Trung Đà Nẵng, nơi núi rừng, bãi biển và đô thị gặp nhau hoàn hảo. Bài báo viết: "Ngày nay, hầu như những nơi chiến sự ác liệt ở miền Nam Việt Nam không còn lại vết tích của các khu căn cứ quân sự của Mỹ, thay vào đó là sân bay quốc tế, khu công nghiệp”. Theo tác giả Kate Liesener, sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên thông qua chính sách Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986.
Chiến tranh kết thúc nhưng Mỹ vẫn còn nợ Việt Nam một khoản lớn
Với tiêu đề “One Square Mile of Vietnam: Da Nang” (Một dặm vuông của Việt Nam: Đà Nẵng), hãng tin BBC (Anh) đã nhắc nhở mọi người về thảm hoạ chiến tranh Mỹ đã gây ra tại Việt Nam, trong đó các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, nơi được xem là "cái rốn" chất độc da cam cao nhất. Người Mỹ còn mắc nợ Việt Nam một khoản khổng lồ, đó là hậu quả của chiến tranh, của chất độc da cam. Trong chiến tranh, Mỹ đã dùng chất độc dioxin (chất độc da cam) để tiêu diệt tán lá dày mà họ cho rằng lực lượng cộng sản đang ẩn náu, nó được phun với nồng độ cao gấp 50 lần nồng độ khuyến cáo diệt cây do chính các hãng sản xuất dioxin đưa ra. Hậu quả là đã cướp đi hàng triệu héc-ta đất rừng và đất nông nghiệp, trên 3 triệu người Việt Nam đã phải hứng chịu hậu quả sức khoẻ do phơi nhiễm dioxin. Để khắc phục, hiện chính phủ Mỹ và Việt Nam đang hợp tác tẩy rửa vùng đất bị nhiễm độc, công việc được bắt đầu từ năm 2016.
Tờ Stars and Stripes của Mỹ đã có bài viết tựa đề “Decades after Vietnam War, community of US veterans now calls Da Nang home” (Hàng thập kỷ sau chiến tranh Việt Nam, cộng đồng cựu binh Mỹ giờ gọi Đà Nẵng là nhà), nói về chuyện nhiều cựu binh Mỹ đến Việt Nam vì tò mò, muốn biết nơi mà họ tham chiến ngày xưa giờ ra sao, người dân Việt Nam có căm ghét họ không... Nhiều người muốn sửa sai quá khứ, làm điều gì đó để mang lại cuộc sống tốt hơn cho những nạn nhân chất độc da cam. Sau vài ngày thăm viếng, tiếp xúc, phần lớn đã giải tỏa điều họ trăn trở, họ được tận hưởng một cuộc sống tốt hơn, sự hiếu khách của người dân Việt Nam, và coi đây là chuyến hành hương về nhà của mình.
Nam Bắc Giang
(Dịch từ Net và BCNNBBC/Usatoday/Boston/Strip/Cntraveler.com)
Ý kiến bạn đọc