Multimedia Đọc Báo in

Vũ khí mang tên: Lòng yêu nước Việt Nam

08:46, 28/04/2017

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở thế kỷ 20 có thể coi là thử thách lớn nhất của nhân dân ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Quân đội Mỹ đã thừa nhận rằng vũ khí kỹ thuật hiện đại và sức mạnh vật chất khổng lồ của họ đã không thắng được một vũ khí mang tên: Lòng yêu nước Việt Nam. Thậm chí để khẳng định sức mạnh của “vũ khí bất tử” này, theo phân tích của một số nhà nghiên cứu: nếu biết trước được lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam cao đến như vậy thì chưa chắc người Mỹ đã tiến hành chiến tranh.

Trong cuộc đấu trí ở tầm cao ấy, trong một trận chiến không cân sức về phương tiện, vũ khí ấy, nhân dân tin tưởng và tự hào có Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường chỉ lối. Và tự hào thay Đảng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò, trọng trách lãnh đạo của mình bằng phương pháp cách mạng khoa học đạt đến trình độ nghệ thuật. Đó là nghệ thuật biết đánh và biết thắng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Biết đánh và biết thắng thể hiện trí thông minh, nắm vững thời cơ và vận dụng sáng tạo quy luật của chiến tranh của Đảng. Cụ thể, sau khi Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27-1-1973), tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, theo hướng có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Đây là thời cơ rất lớn, mở ra cuộc tiến công quyết định để có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 21 (hội nghị được tiến hành trong hai đợt, đợt I từ ngày 19-6 đến ngày 6-7-1973 và đợt II từ ngày 1-10 đến ngày 4-10-1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định, việc Mỹ rút quân đã tạo cơ hội rất lớn về thế và lực cho chúng ta giải phóng miền Nam. Đảng đã quyết định tập trung toàn bộ lực lượng, toàn bộ cơ sở vật chất đưa vào miền Nam.

 Người dân chào đón quân  giải phóng trong chiến thắng  30-4-1975.     Ảnh:  Tư liệu
Người dân chào đón quân giải phóng trong chiến thắng 30-4-1975. Ảnh: tư liệu

Cội rễ sức mạnh để Đảng tự tin, linh hoạt sáng tạo chiến lược, sách lược chiến tranh chính là lòng yêu nước luôn thường trực trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Lòng yêu nước được trao truyền, kết nối từ nhiều giai tầng trong xã hội; cố kết, bồi đắp bền chặt trong cuộc trường chinh dựng nước, giữ nước, làm nên một nét đẹp truyền thống của dân tộc và biểu hiện rực rỡ nhất là tinh thần xả thân vì nước. Lịch sử vẫn nhắc mãi câu chuyện của những tấm gương tuổi nhỏ chí lớn như Trần Quốc Toản, tuổi cao chí càng cao như các bô lão trong cuộc họp tại Hội nghị Diên Hồng… Đến cả những bậc nữ nhi được coi chân yếu tay mềm cũng nêu cao khí phách anh hùng, để rồi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” bằng nhiều cách khác nhau như gương mẹ Suốt, chị Võ Thị Sáu... Lòng yêu nước đã tạo nên những bức thành đồng vững chắc để người trước ngã xuống, người sau anh dũng xông lên; lớp lớp thế hệ không tiếc tuổi thanh xuân và máu xương với quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ở nhiều địa phương, người dân sẵn sàng dỡ nhà làm đường cho xe chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường; khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời” xuất hiện như một thách đố hiên ngang chống lại chính sách dồn dân, lập ấp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Nhận thức sâu sắc sức mạnh bất tử của vũ khí mang tên: Lòng yêu nước Việt Nam, Đảng ta, bằng uy tín, tài năng và trí tuệ của mình đã tập hợp quần chúng lại thành hệ thống tổ chức cách mạng rộng lớn, hoạt động tích cực, tự giác. Trong nghệ thuật biết đánh và biết thắng đế quốc Mỹ, dựa vào sức mạnh của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn diện của cả nước - chính là nét cơ bản nổi bật nhất trong đường lối, phương pháp thắng Mỹ của Đảng. Việc triển khai lực lượng với quy mô chưa từng thấy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng điển hình. Trong vòng 2 năm kể từ khi kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được xây dựng, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, ta đã đưa 11 vạn bộ đội, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam…

Cuộc tổng lực dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 - một mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng 30-4 đã, luôn và sẽ mãi in dấu sâu đậm trong lòng lớp lớp thế hệ người dân con Hồng cháu Lạc và làm nức lòng bạn bè yêu chuộng hoà bình trên thế giới bởi đó là cuộc đấu trí ở tầm cao của trí tuệ Việt Nam, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh của vũ khí: Lòng yêu nước Việt Nam.            

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.