Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong phát triển đảng ở các trường học ngoài công lập

09:39, 30/06/2017

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 33 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến THCS (chưa kể các trường trung cấp, đại học).

Thế nhưng đến nay mới chỉ 5 trường có chi bộ Đảng, 16 trường “trắng” đảng viên. Mặc dù các cấp ủy Đảng đã triển khai nhiều biện pháp song, công tác phát triển đảng ở các đơn vị này vẫn gặp không ít khó khăn.

Trường Đại học Đông Á cơ sở tại Đắk Lắk bắt đầu hoạt động từ năm 2014, hiện có 10 cán bộ, công nhân viên làm việc thường xuyên tại trường, cùng với đó là có khoảng 100 sinh viên chính quy và 400 sinh viên hệ liên thông. Tuy nhiên, hiện nay trường mới chỉ có 1 đảng viên là thầy phụ trách phân hiệu Nguyễn Ngọc Tuyên. Theo thầy Tuyên, do đội ngũ cán bộ, công nhân viên còn mỏng, trường lại mới đi vào hoạt động (từ năm 2014) nên số đảng viên còn ít. Riêng với đội ngũ sinh viên thì thời gian học tập tại trường khá ngắn (khoảng 4 năm) không thể đánh giá hết được phẩm chất chính trị, năng lực của từng em, mặt khác nếu giới thiệu đi học cảm tình Đảng lại ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em nên rất khó phát triển đảng.

Giáo viên trường ngoài công lập phần lớn là lao động hợp đồng 1 năm nên khó phát triển đảng (Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt).   Ảnh: N.Hoa
Giáo viên trường ngoài công lập phần lớn là lao động hợp đồng 1 năm nên khó phát triển đảng (Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt). Ảnh: N.Hoa

Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt thành lập chi bộ Đảng từ tháng 12-2016 với số lượng 7 đảng viên. Theo thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng nhà trường, từ khi thành lập, chi bộ Đảng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nên mọi hoạt động của nhà trường đều diễn ra khá sôi nổi, quy củ và chất lượng. Tuy nhiên, đến nay chi bộ trường chưa phát triển thêm được đảng viên nào. Mặc dù nhà trường có 110 giáo viên, chuyên viên, song chủ yếu là lao động hợp đồng và thử việc; thời gian công tác, rèn luyện ngắn nên chưa phát hiện quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng.

Đối với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù đã đủ tiêu chuẩn (có 3 đảng viên đang làm việc thường xuyên tại đây), nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thành lập chi bộ, đảng viên vẫn sinh hoạt tại nhiều đơn vị khác nhau. Theo một đảng viên đang làm việc tại trường, các giáo viên làm ở đây nhiều năm nhưng vẫn là lao động hợp đồng, họ không biết sẽ chấm dứt hợp đồng khi nào nên không muốn chuyển sinh hoạt đảng về trường.

Đồng chí Trần Văn Châu, Bí thư Đảng bộ phường Tân Lợi cho biết, địa bàn phường hiện có 5 trường học ngoài công lập nhưng chưa trường nào có chi bộ Đảng, trong đó có 3 trường “trắng” đảng viên là Trường Mầm non 1-6, Trường Mầm non Tuấn Vũ và Trường Tiểu học Quốc tế. Năm 2015, Đảng bộ phường đã lập danh sách 10 quần chúng ưu tú ở các trường ngoài công lập để giới thiệu đi học cảm tình Đảng. Tuy nhiên, sau khi học xong thì các đối tượng này lại không làm hồ sơ lý lịch để xin vào Đảng.

Đồng chí Trần Vũ Cường, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Buôn Ma Thuột chia sẻ: Để việc thành lập tổ chức cơ sở đảng và kết nạp đảng viên trong các trường ngoài công lập đạt hiệu quả, hằng năm, Đảng bộ thành phố đã tích cực đề ra các giải pháp tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển đảng; các cấp ủy, địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp, tăng cường về cơ sở vận động phát triển Đảng… nhưng vẫn chưa mấy khả thi. Nguyên nhân là do hầu hết các trường ngoài công lập vẫn xem mình là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, họ chưa hiểu đúng hoặc cố tình không hiểu đúng vai trò, chức năng của tổ chức đảng trong đơn vị, từ đó không muốn thành lập và cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng hoạt động.

Để tháo gỡ khó khăn, theo đồng chí Cường, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đưa ra nhiều cách làm sáng tạo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các trường ngoài công lập, người lao động về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng; xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng của phường, xã với các trường trong công tác xây dựng Đảng; các hội, đoàn thể địa phương xây dựng thêm tổ chức tại những trường ngoài công lập để tăng cường việc giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho hội viên, đoàn viên, đồng thời tích cực bồi dưỡng giới thiệu những quần chúng ưu tú tham gia các lớp nhận thức về Đảng…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.