Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ xã Cư Pui: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

07:30, 10/07/2017

Với phương trâm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với thực hiện cải cách hành chính, Đảng bộ xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước chuyển biến nhận thức, tạo sự đoàn kết trong dân, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Trần Thế Thành cho biết, thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Đảng bộ xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong hoạt động của bộ máy chính quyền nhằm lắng nghe ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho họ… Cùng với đó, xã cũng thực hiện công khai những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhân dân bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND; thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, qua các cuộc họp thôn, buôn... Các nội dung dân bàn, biểu quyết, tham gia ý kiến để các cấp có thẩm quyền quyết định được thực hiện đúng quy trình.

Ông Mai Vi Văn giới thiệu đường điện chiếu sáng trong thôn vừa mới được đầu tư  xây dựng.
Ông Mai Vi Văn giới thiệu đường điện chiếu sáng trong thôn vừa mới được đầu tư xây dựng.

Để người dân có thể phát huy quyền làm chủ, xã Cư Pui còn gắn việc thực hiện QCDC với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “cơ chế một cửa”. Tuy cơ sở vật chất tại UBND xã chưa đồng bộ nhưng các quy định về thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai tại trụ sở và có cán bộ hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình, tạo điều kiện cho nhân dân được giải quyết công việc thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà. Nhờ vậy mà trong thời gian qua không xảy ra những hiện tượng tiêu cực để người dân phàn nàn, khiếu kiện…

Bên cạnh đó, Đảng bộ và chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân trực tiếp bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống của họ. Từ hoạt động bình xét hộ nghèo, tặng quà tại cơ sở hay xây dựng nông thôn mới… tất cả đều được đưa ra công khai, dân chủ. Nhờ đó mà hầu hết các thôn, buôn khi tiến hành xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, đường điện, trường học, thủy lợi… người dân đều tự nguyện giải tỏa mặt bằng, không đòi hỏi đền bù.

Ông Mai Vi Văn, một người dân ở thôn Điện Tân phấn khởi cho hay: Điện Tân là một trong những thôn đầu tiên của xã xây dựng được đường điện thắp sáng. Hiện tại 129 hộ dân trong thôn đã có đường điện thắp sáng đến tận cổng nhà. Để làm được điều này phải kể đến quyết tâm của chính quyền cũng như sự đồng lòng của người dân. Từ khi có chủ trương xây dựng đường điện, UBND xã đã thông báo lấy ý kiến của nhân dân. Sau đó, các hộ dân trong thôn đã họp bàn để thống nhất phương án đóng góp kinh phí… “Tất cả hoạt động gì liên quan đến đời sống của người dân đều được xã thông báo để nhân dân bàn bạc. Nếu người dân đoàn kết nhất trí thì thôn mới trình lên xã để bắt tay vào làm. Nhờ phát huy tinh thần dân chủ nên người dân rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ” – ông Văn nói.

Việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cũng được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, nhân dân tham gia bàn và quyết định về mức đóng góp, cách thức làm và thực hiện giám sát công trình để bảo đảm tiến độ và chất lượng. Nhờ đó, thời gian qua, các thôn, buôn đã huy động nhân dân đóng góp 2,2 tỷ đồng, đồng thời đóng góp 3.600 ngày công lao động, hiến gần 154.000 m2 đất, 359 cây cà phê, 1,1 ha mì… để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.