Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực đất đai, nông, lâm nghiệp

11:01, 14/07/2017

 

*Cử tri huyện Krông Bông đề nghị Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, có chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện phù hợp để phát triển kinh tế.

 

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 158/2015/NQ-HĐND, ngày 10-7-2015 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2325/QĐ-UBND, ngày 10-8-2016 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 726/QĐ-UBND, ngày 27-3-2017 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 421/QĐ-UBND, ngày 24-2-2017 về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và hướng dẫn các địa phương thực hiện. UBND huyện Krông Bông cũng đã ban hành Quyết định số 2249/QĐ-UBND, ngày 10-8-2016 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.

Trên cơ sở Nghị quyết, Quyết định của tỉnh cũng như kế hoạch của huyện, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Krông Bông chỉ đạo các phòng chức năng rà soát, tổng hợp và có ý kiến trả lời cử tri, đồng thời chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

* Cử tri huyện Ea Súp đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến bằng văn bản đối với UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh thực hiện việc thanh lý cho các hộ nhận khoán và hoàn chỉnh các hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Ngày 22-10-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 7788/UBND-NNMT giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý việc thanh lý hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghiệp giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh (sau đây gọi là Công ty) với các hộ gia đình trên địa bàn xã Cư Kbang, huyện Ea Súp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ea Súp, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, Công ty và UBND xã Cư Kbang. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Sở NN&PTNT đã có Công văn số 2059/SNNNT-KL, ngày 3-12-2015 báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Ea Súp thành lập Đoàn kiểm tra xử lý vấn đề nêu trên theo quy định. Ngày 18-12-2015, UBND tỉnh có Công văn số 9452/UBND-NNMT giao UBND huyện Ea Súp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện để kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ea Súp (ngày 27-4-2016): Trước khi bàn giao diện tích đất rừng giao khoán của 57 hộ ở xã Cư Kbang về cho UBND huyện Ea Súp quản lý theo quyết định của UBND tỉnh, Công ty chưa lập thủ tục thanh lý hợp đồng đối với các hộ nhận khoán là chưa đúng trình tự, thủ tục. Do đó, Đoàn kiến nghị UBND huyện Ea Súp yêu cầu Công ty khẩn trương triển khai thực thiện. Đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm thanh lý hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đối với các hộ trên.

*Cử tri một số huyện phản ánh về tình trạng vận chuyển và sử dụng lâm sản trái phép. Đề nghị các cấp, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, tăng cường trong công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở nhiều đợt kiểm tra truy quét các đối tượng lâm tặc, những tụ điểm phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, sử dụng, vận chuyển trái phép lâm sản... Tổ chức kiểm tra, xóa bỏ các cơ sở mộc dân dụng, các xưởng chế biến đóng trong rừng, gần rừng và tịch thu hoặc tạm giữ toàn bộ các phương tiện độ chế không đủ tiêu chuẩn lưu hành, các loại cưa để khai thác gỗ,… Tịch thu và thu gom toàn bộ số gỗ do lâm tặc khai thác trái phép. Điều tra, thống kê, phân loại, lập danh sách các đối tượng “chuyên nghiệp” thường xuyên khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản và động vật rừng để có biện pháp theo dõi đấu tranh và ngăn chặn.

Sau khi có Thông tư liên bộ số 144/2002/TT-LB giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các ngành của tỉnh đã ký quy chế phối hợp. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn ký kết quy chế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh lân cận như: Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa và hằng năm đều tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa các ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội làm nòng cốt trong việc truy quét các đối tượng phá hoại rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương. Với những nỗ lực trên, riêng năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.752 vụ vi phạm Luật Quản lý Bảo vệ rừng, trong đó xử lý hành chính 1.741 vụ, xử lý hình sự 11 vụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT triển khai thực hiện nghiêm túc một số giải pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng; quản lý lâm sản. Trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các nhóm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc mạnh mẽ, mở các chuyên án để điều tra, khởi tố, xử lý các tổ chức, đường dây cấu kết khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Đề nghị cử tri phát huy vai trò làm chủ, khi phát hiện các hiện tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý.

Nguyên Hoa (lược ghi)


Ý kiến bạn đọc