Multimedia Đọc Báo in

Góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tư pháp của địa phương

10:44, 02/08/2017

Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk được thành lập ngày 2-8-1982 theo Quyết định số 356/QĐ-UB của UBND tỉnh.

Trong suốt 35 năm qua, với tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, Sở Tư pháp đã từng bước vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển vững mạnh, khẳng định rõ vai trò, vị thế của cơ quan “gác cửa” pháp lý hiệu quả nhất cho UBND tỉnh, tích cực góp sức vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Ngay sau khi thành lập, Sở Tư pháp đã nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ tư pháp lúc bấy giờ, đó là: quản lý việc ban hành văn bản pháp quy, tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, quản lý tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện về mặt tổ chức (tháng 9-2002 mới bàn giao cho TAND tỉnh quản lý). Năm 1993, Sở được giao thêm nhiệm vụ quản lý về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự theo phân cấp của Bộ Tư pháp (đã chuyển giao Bộ Tư pháp quản lý tháng 7-2009). Những lĩnh vực công tác có tính chất mũi nhọn này đều được Sở chủ động, tích cực thực hiện toàn diện, đạt chất lượng tốt, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các quyền tự do, dân chủ của công dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận (thứ 3 từ phải sang) trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với cán bộ của Sở.  Ảnh: Nguyễn Gia
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận (thứ 3 từ phải sang) trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với cán bộ của Sở. Ảnh: Nguyễn Gia

Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh, phạm vi hoạt động của Sở Tư pháp không còn giới hạn trong 5 lĩnh vực như trước đây mà được mở rộng ra 27 lĩnh vực (kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); pháp chế; hòa giải ở cơ sở; xây dựng hương ước; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; trợ giúp pháp lý (TGPL); công chứng; luật sư; tư vấn pháp luật; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; giao dịch bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thi hành án dân sự, hành chính...). Thời gian gần đây, Sở còn được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới phức tạp, nặng nề hơn, như: theo dõi thi hành pháp luật, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), quản lý thanh lý tài sản, xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật. Với phương châm “đi trước, đón đầu”, Sở Tư pháp đã tìm tòi, nghiên cứu, quyết tâm tập trung cao độ trí và lực triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, xuất sắc các mục tiêu, khối lượng công việc ngày càng lớn và khó để tham mưu đắc lực cho chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành bằng pháp luật.

Từ lúc chưa có VBQPPL nào của tỉnh điều chỉnh công tác tư pháp, đến nay Sở đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 66 VBQPPL điều chỉnh tất cả lĩnh vực công tác tư pháp. Từ năm 1982 đến nay, tổng số 1.155 VBQPPL của tỉnh ban hành trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội đều được Sở Tư pháp góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành, địa phương triển khai tốt trọng trách được giao. 11.900 đĩa CD-Rom hệ thống hóa VBQPPL của tỉnh qua các đợt rà soát và Cơ sở dữ liệu pháp luật của cấp huyện là sản phẩm được Sở đặc biệt quan tâm xây dựng riêng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện pháp luật (sau này đã hòa chung vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật). Sở Tư pháp đã tổ chức hơn 220.000 cuộc tuyên truyền pháp luật, 500 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, 122.500 bản tin Tư pháp Đắk Lắk, 60 triệu bản tài liệu phổ biến pháp luật khác, 200.000 tin, bài về pháp luật để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trên 30.000 vụ việc TGPL được thực hiện thông qua tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải cho 30.000 lượt đối tượng chính sách. Tư pháp đã cung cấp dịch vụ hành chính công với khoảng 3,4 triệu trường hợp đăng ký hộ tịch, 1.973.230 hợp đồng, giao dịch, chữ ký và 57.668.275 bản sao được chứng thực đáp ứng nhu cầu của công dân, tổ chức; 22.103 trường hợp Phiếu lý lịch tư pháp được cấp cho cá nhân, với tỷ lệ trả kết quả trước thời hạn đạt 97%, thuộc tốp đầu của cả nước trả kết quả sớm cao nhất. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp, Sở đã phát triển 66 tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật) hoạt động hiệu quả, thu hút đội ngũ 237 luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên, tư vấn viên pháp luật tham gia thực hiện khoảng 2,8 triệu việc, doanh thu hơn 6.600 tỷ đồng, góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020. Bên cạnh đó, Sở còn góp ý, thẩm định, kiểm soát chất lượng 117 quyết định về TTHC, tiến hành rà soát hơn 1.500 TTHC, đề xuất phương án đơn giản hóa 64 TTHC (số liệu tính từ khi Sở tiếp nhận nhiệm vụ kiểm soát TTHC từ năm 2014 đến nay); chú trọng lựa chọn lĩnh vực có nhiều “bức xúc” (đất đai, giao thông, xây dựng, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, chứng thực, rừng, an toàn thực phẩm…) để theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra việc XLVPHC…

Cán bộ Phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp thực hiện thủ tục công chứng cho khách hàng.   Ảnh: Nguyễn Gia
Cán bộ Phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp thực hiện thủ tục công chứng cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Gia

Ngoài những nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, Sở Tư pháp còn thực hiện nhiều việc đột xuất do UBND tỉnh giao và các ngành, địa phương xin ý kiến. Để thực hiện tốt công việc này, Sở Tư pháp đã nghiên cứu, tư vấn pháp luật thấu tình, đạt lý, có chất lượng cao giúp UBND tỉnh giải quyết rất nhiều vụ việc khó, khiếu nại, tố cáo của công dân phức tạp, kéo dài, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tin tưởng, đánh giá cao.

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển, Tư pháp Đắk Lắk đã có những thay đổi về tổ chức, bộ máy; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở, phối hợp mở các lớp đào tạo trung cấp Luật tại địa phương để chuẩn hóa trình độ và tạo nguồn cán bộ tư pháp cho các xã, phường, thị trấn. Qua những lần chia tách, tiếp nhận, sáp nhập một số phòng chuyên môn thuộc Sở theo quy định, đến nay Sở có 13 phòng, trung tâm với 112 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); 15 Phòng Tư pháp cấp huyện có 76 CBCC; 184 xã, phường, thị trấn có 338 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch (trong đó, 149 xã, phường, thị trấn có 2 cán bộ, đạt 81%). Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tỉnh luôn chú trọng đổi mới phương thức quản lý, điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính (trang bị máy vi tính cho toàn thể CBCCVC; kết nối Internet, hoàn thiện mạng nội bộ; xây dựng, áp dụng các phần mềm xử lý công việc, nghiệp vụ công tác; xây dựng trang tin điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gắn với áp dụng ISO 9001:2008 vào các hoạt động của ngành...).

Những kết quả của Sở Tư pháp đạt được trong thời gian qua đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương kịp thời: 470 giấy khen, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Sở, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ; 506 danh hiệu thi đua. Đặc biệt, ngành Tư pháp đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002), hạng Nhì (năm 2007) và hạng Nhất vào năm 2012. Đó cũng chính là niềm tự hào, sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với toàn thể CBCCVC Tư pháp tỉnh nhà trên những chặng đường tiếp theo phấn đấu nâng tầm công tác tư pháp, góp phần xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Nguyễn Minh Thuận

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.