Kỷ niệm 10 năm NGÀY thành lập huyện Cư Kuin (27-8-2007 – 27-8-2017)
Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển
Được tách ra từ huyện Krông Ana theo Nghị định số 137/2007/NĐ-CP, ngày 27-8-2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, sau 10 năm hình thành và phát triển, đến nay huyện Cư Kuin đã khoác lên mình “chiếc áo” mới.
Những ngày đầu mới thành lập, địa phương gặp bộn bề, khó khăn, từ cơ sở vật chất đến kết cấu hạ tầng ban đầu hầu như chưa có gì. Thế nhưng, với sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cán bộ và nhân dân huyện Cư Kuin đã đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và tỉnh để từng bước vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh.
Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng (thứ hai từ trái sang) hỏi thăm tình hình sản xuất của bà con nông dân. |
Trong 10 năm qua, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước tiến rõ rệt. Tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả đã đưa Cư Kuin trở thành một trong những huyện khá của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 11%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu như năm 2008, tỷ trọng ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp là 60,8% thì đến năm 2016 đã giảm còn 52%; tỷ trọng các ngành Công nghiệp, Xây dựng đã tăng từ 18% lên 23,4%; tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 42 nghìn tấn. Những năm qua, Cư Kuin luôn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao vào sản xuất. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cho cây tiêu của địa phương.
Nhờ làm tốt công tác cải cách hành chính, việc thu hút đầu tư của huyện cũng đạt được kết quả khả quan. Đến nay đã có 4 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư vào Cụm công nghiệp huyện, 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục để xin chủ trương đầu tư. Thu ngân sách Nhà nước hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tạo tiền đề để cùng các nguồn lực khác đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi, từng bước làm thay đổi diện mạo địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có hiệu quả. Đến nay đã có 2 xã đạt từ 15-17 tiêu chí, 4 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 2 xã đạt 8-10 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2017, xây dựng xã Hòa Hiệp trở thành xã nông thôn mới của huyện. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, công tác chính sách với người có công, an sinh xã hội… cũng thường xuyên được huyện quan tâm. Đáng chú ý, Cư Kuin là một trong những địa phương của tỉnh làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 8,5 triệu đồng/năm vào năm 2008 lên 39 triệu đồng/năm vào năm 2016, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,6% còn 9,33% vào cuối năm 2016. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Người dân xã Ea Ktur tham gia làm đường nông thôn mới. Ảnh: M.Thuận |
Với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cư Kuin đã vinh dự được các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; Đảng bộ huyện được Chủ tịch nước gửi thư biểu dương khen thưởng…
Mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng huyện Cư Kuin ý thức rằng, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn mới. Đó là những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô phát triển còn hạn chế; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ nhân dân; một số lĩnh vực văn hóa xã hội, an sinh xã hội còn bất cập; tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…là những vấn đề cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới để xây dựng huyện Cư Kuin ngày càng trở nên giàu đẹp hơn.
Huyện Cư Kuin có 16 dân tộc anh em cùng chung sống, với 8 đơn vị hành chính cấp xã, 86 thôn, 27 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 22.500 hộ, 104 nghìn nhân khẩu, trong đó có 5.725 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 29,68% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin lành.
Lê Thái Dũng
Bí thư Huyện ủy Cư Kuin
Ý kiến bạn đọc