Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng ngành Tuyên giáo thực sự là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng

09:06, 01/08/2017

Trải qua lịch sử 87 năm xây dựng và phát triển, với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và chia tách, hợp nhất cho phù hợp với thực tiễn cách mạng.

Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Cùng với sự hình thành, phát triển và trưởng thành của ngành Tuyên giáo Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tuyên giáo tỉnh Đắk Lắk đã tâm huyết, đoàn kết, kiên trì bám trụ, đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó, viết nên những trang sử đầy tự hào của ngành Tuyên giáo tỉnh nhà.

Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công việc với một số cán bộ của Ban.  Ảnh: Nguyễn Gia
Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công việc với một số cán bộ của Ban. Ảnh: Nguyễn Gia

Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, trong những năm qua, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức mới, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã không ngừng phấn đấu, học tập, công tác, tích cực bám sát tình hình, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác chính trị, tư tưởng; tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh; tham mưu, tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; biên soạn, phát hành nhiều loại tài liệu tuyên truyền phục vụ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt thôn, buôn, tổ dân phố, sinh hoạt báo cáo viên, công tác phát động quần chúng; biên soạn nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị... Công tác tuyên giáo đã góp phần tích cực củng cố sự thống nhất tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước; đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tuyên giáo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: việc đổi mới nội dung và hình thức công tác tư tưởng, tuyên truyền còn chậm, hiệu quả chưa cao, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú; chất lượng tham mưu, dự báo tình hình về tư tưởng và tâm trạng xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập; tính thuyết phục của công tác tuyên giáo trên một số lĩnh vực chưa cao; việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng ở một số đơn vị còn mang tính hình thức...

Thực tiễn đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thời cơ, thuận lợi đi liền với những khó khăn, thách thức; tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường; sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và các kênh truyền thông xã hội, với nhiều thông tin đa chiều thường xuyên tác động đến đời sống chính trị, tư tưởng, tình cảm, tâm lý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.  Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng của Đảng, trong thời gian đến, ngành Tuyên giáo cần bám sát tình hình thực tiễn, hướng về cơ sở, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, cần chủ động tham mưu cho cấp ủy các cấp quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phẩm chất, đạo đức cách mạng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc sơ kết, tổng kết việc thi hành đường lối chủ trương của Đảng, kịp thời kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp theo kịp tình hình mới; tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực thiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Krông Bông đến thăm và tặng quà gia đình Anh hùng liệt sỹ Y Ơn Niê ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui.  Ảnh: Gia Kiệt
Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Krông Bông đến thăm và tặng quà gia đình Anh hùng liệt sỹ Y Ơn Niê ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui. Ảnh: Gia Kiệt

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị; bí thư hoặc thường trực cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết, kết hợp với chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống; chủ động cung cấp thông tin và cải tiến phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp theo hướng tăng cường xuống cơ sở để truyền đạt nghị quyết, thông tin tình hình thời sự; tăng cường kết nối với các chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực để cung cấp kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.

Song song với đó, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp với chính quyền cùng cấp để chủ động nắm bắt thông tin, tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, phức tạp; tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các chương trình, dự án có tác động lớn đến đời sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân. Nâng cao vai trò của bí thư đảng ủy xã trong chỉ đạo thực hiện công tác tuyên giáo ở cơ sở; kết nối, huy động sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền; tranh thủ vai trò của các chức sắc tôn giáo, của già làng và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân và phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của họ cho cấp ủy và chính quyền để giải quyết kịp thời; tăng cường hoạt động điều tra dư luận xã hội giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp hiệu quả hơn.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường định hướng và quản lý tốt hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; giới thiệu và khuyến khích phát triển những mô hình hay, cách làm tốt, gương điển hình trong học tập, công tác, lao động và sản xuất; phát huy mạnh mẽ tính tích cực, vai trò phản biện và giám sát của báo chí; đồng thời có biện pháp thích hợp để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, nguyên tắc, tôn chỉ mục đích và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia; chú trọng tuyên truyền về thời cơ, thuận lợi, cũng như thách thức trong tình hình mới…

Tiếp tục nêu cao vai trò định hướng của Đảng trong các lĩnh vực khoa giáo; thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực quan trọng và bảo đảm an sinh xã hội; biên soạn các công trình lịch sử của địa phương gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, kiến thức pháp luật để có nhận thức và thái độ đúng đắn trước mọi dư luận xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ cho cán bộ ngành Tuyên giáo, nhất là cán bộ tuyên giáo chuyên trách ở cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã và tổ chức hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực tế cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong tất cả các khâu, các hoạt động của từng cấp thuộc hệ thống theo hướng đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc và năng lực cán bộ dựa trên kết quả công tác, bằng những sản phẩm tham mưu có chất lượng.

Huỳnh Thị Chiến Hòa

(Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.