Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám 1945 và bài học đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

08:38, 01/09/2017

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi đó là kết tinh của nhiều yếu tố; trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một cuộc cách mạng có tính chất nhân dân thật sự bởi đó là cuộc cách mạng vì nhân dân và phát huy được sức mạnh vô địch của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn, sinh động và đầy sức thuyết phục về sức mạnh của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam ở mọi vùng miền của đất nước đã nhất tề đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Sức mạnh không gì so sánh được đó không phải tự nhiên có được mà là một quá trình hình thành, phát triển dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, khi trở về nước (năm 1941), Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”(1) và Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”(2). Để tập hợp, tổ chức phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương thành lập và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, lấy công nông làm nòng cốt. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình và điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Từ đó Mặt trận được xây dựng, phát triển mạnh mẽ và ngày càng rộng khắp không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Mặt trận đã thể hiện rõ vai trò là nơi tập hợp, quy tụ sức mạnh toàn dân tộc vì mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc của đồng bào.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân được hiện thực hóa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiếp tục sau này là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh, thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc học thuyết đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế Việt Nam. Tư duy biện chứng khoa học của Hồ Chí Minh trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân là biết phát  huy điểm tương đồng, kết hợp khéo các mặt đối lập trong nội bộ nhân dân để họ ngày càng xích lại bên nhau, đấu tranh cho quyền lợi dân tộc. Có được tư duy đó không phải chỉ dựa vào trí tuệ sáng suốt mà còn xuất phát từ đạo lý của dân tộc Việt Nam, từ niềm tin và lòng yêu thương vô hạn đối với nhân dân của Hồ Chí Minh. Tấm lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, khoan hồng, xóa bỏ thành kiến đối với con người đã khiến trái tim “có ít nhiều lòng ái quốc” của mọi con dân nước Việt đến với Hồ Chí Minh và Đảng ta, tạo nên Cách mạng Tháng Tám đưa đến sự thay đổi vận mệnh của dân tộc và thân phận cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đang tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, vấn đề phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đang đứng trước những thách thức mới. Tác động của sự phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập khiến sự phân hóa các tầng lớp xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày một gia tăng và cùng với đó là sự phân hóa với những mức độ khác nhau về tư tưởng, đạo đức, lối sống… Tình hình đó đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết đúng đắn vấn đề lợi ích trong xã hội, coi sự thống nhất về những lợi ích căn bản là cơ sở sâu xa của đoàn kết toàn dân; đồng thời phải “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt, không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc … để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước …tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc”(3).

Phát huy bài học sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc không chỉ phụ thuộc vào việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền và đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch mà còn phụ thuộc vào việc giữ định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển kinh tế thị trường, vào việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế - xã hội đối với con người, với các giai tầng xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Như vậy mới tạo được sự đồng thuận xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển.

(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T3, tr 230

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2016, tr 158 -159

Th.S Đặng Công Thành

(Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.