Multimedia Đọc Báo in

Một số điểm mới của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)

09:03, 20/09/2017

Một số điểm mới của Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”

5. Về định hướng cơ cấu lại

- Nghị quyết số 12-NQ/TW (khóa XII) xác định quan điểm: Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hoá, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém.

Quan điểm này thể hiện việc cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một quá trình thường xuyên, liên tục không chỉ nhằm xử lý những hạn chế, yếu kém hiện nay mà còn để doanh nghiệp nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện được vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước đã nêu và tiếp tục thu hẹp số lượng doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào 3 ngành, lĩnh vực đã được Đại hội XII của Đảng xác định. Quan điểm này cho thấy sự quyết tâm cao của Đảng trong việc đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) xác định: “Chuyển doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo chế độ công ty; đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.

- Về cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nghị quyết số 12-NQ/TW (khóa XII) có một số điểm mới để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) chưa đề cập tới:

+ Giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự; tối đa hoá giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường.

+ Rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại các doanh nghiệp nhà nước, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp thì thực hiện cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, giải thể, phá sản. Đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn hoặc cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối thì cơ cấu lại bằng cơ chế, chính sách phù hợp. Đối với những dự án đầu tư thua lỗ, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.

+ Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước. Hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp.

+ Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh; triệt để tiết kiệm chi phí; nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

+ Sử dụng có hiệu quả chính sách thuế, phí gắn với nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đất đai một cách ổn định. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hoá.

+ Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho các mục đích chi đầu tư phát triển; không sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

+ Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hoá, Nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng; doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

+ Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhà nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, coi đây là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

6. Về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần

Nghị quyết số 12-NQ/TW (khóa XII) đề ra một số giải pháp nhằm xác định giá trị hợp lý giá trị doanh nghiệp, vốn và tài sản nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng thất thoát trong cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

- Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,…) trong cổ phần hoá theo cơ chế thị trường. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn nhà nước.

Đây là điểm mới so với Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) đã nêu “Sửa đổi phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo hướng gắn với thị trường; nghiên cứu đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, thí điểm đấu thầu bán cổ phiếu và bán cổ phiếu qua các định chế tài chính trung gian”.

- Trên cơ sở giá trị vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp đã được xác định đầy đủ, hợp lý và theo quy định của pháp luật, khẩn trương bán cổ phần, thoái vốn một cách công khai, minh bạch, chủ yếu thông qua bán đấu giá cạnh tranh trên thị trường. Cổ phần hoá phải gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Các doanh nghiệp cổ phần hoá chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật thì phải lập và triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong thời hạn xác định theo quy định.

- Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.

(Còn nữa)

Ban Tuyên giáo TW – Ban Kinh tế TW


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.