Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột: Chú trọng công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ quân sự

08:08, 06/10/2017

Nhờ chú trọng công tác phát triển Đảng, thời gian qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBĐV) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã từng bước nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đánh giá tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong lực lượng DQTV và DBĐV, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột nhấn mạnh: Phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và DBĐV có ý nghĩa, vai trò quan trọng, nhất là đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, hằng năm, ngoài chương trình giáo dục chính trị theo quy định, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Hội đồng giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh thành phố triển khai thực hiện chương trình giáo dục cho lực lượng DQTV và DBĐV. Cùng với đó, Thành ủy cũng thường xuyên chỉ đạo Đảng ủy Quân sự thành phố phối hợp với Đảng ủy các phường, xã quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV, DBĐV.

Lực lượng dân quân tự vệ phường Ea Tam tham gia làm đường giao thông giúp dân.
Lực lượng dân quân tự vệ phường Ea Tam tham gia làm đường giao thông giúp dân.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã mở 29 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 4.947 lượt quần chúng ưu tú tham gia, trong đó có 989 quần chúng trong lực lượng DQTV và DBĐV. Từ năm 2011 đến tháng 6-2017 Thành ủy đã kết nạp 372 đảng viên trong lực lượng DQTV, chiếm tỷ lệ 30,03% (tăng 5,66% so với năm 2011), kết nạp 124 đảng viên trong lực lượng DBĐV, chiếm 10,57% (tăng 2,91% so với năm 2011). Hiện thành phố đã có 21/21 chi bộ quân sự có cấp ủy (tăng 8 chi bộ quân sự có cấp ủy so với năm 2011).

Đồng chí Nguyễn Đức Tưởng, Phó Bí thư Đảng ủy phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, Ea Tam là một trong những địa phương có lực lượng thanh niên trong độ tuổi thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật DQTV khá đông nên công tác xây dựng Đảng trong lực lượng DQTV, DBĐV luôn được Đảng ủy chú trọng. Hằng năm, chi bộ quân sự phường đã tham mưu cho cấp ủy đưa vào nghị quyết của Đảng ủy chỉ tiêu phát triển Đảng trong lực lượng DQTV, DBĐV. Để công tác phát triển Đảng trong lực lượng có chất lượng, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ lâu dài, các đảng viên được phân công bồi dưỡng, tạo nguồn luôn bám sát đối tượng nguồn, tích cực giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp họ nhận thức rõ vị trí, vai trò của đảng viên để nuôi dưỡng động cơ phấn đấu… Đến nay, chi bộ quân sự phường Ea Tam đã có 11 đảng viên, nhiều đồng chí qua quá trình phấn đấu đã trưởng thành và được đề bạt vào các vị trí chủ chốt.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển Đảng, công tác bổ nhiệm sắp xếp, tuyển dụng cán bộ đảng viên là quân nhân xuất ngũ để cơ cấu vào hệ thống chính trị nhằm kịp thời kiện toàn hệ thống chính trị cấp cơ sở cũng luôn được Đảng bộ thành phố chú trọng. Từ 2011 đến nay, các xã, phường đã bổ sung, đưa vào quy hoạch nguồn và cơ cấu vào hệ thống chính trị 115 đảng viên là quân nhân xuất ngũ; có 20/21 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc có đảng viên là quân nhân xuất ngũ tham gia vào cấp ủy địa phương.

Theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, bên cạnh những thuận lợi thì công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ quân sự cũng nảy sinh nhiều bất cập khi nhiều người sau khi kết nạp Đảng thì có sự điều chuyển công tác, dẫn đến việc khó duy trì ổn định được số lượng đảng viên của chi bộ quân sự. Mặt khác, việc ưu tiên xét tuyển dụng quân nhân là đảng viên xuất ngũ trở về địa phương chưa thực sự được chú trọng, nên lực lượng này phần lớn đi làm ăn xa. Chính vì vậy, để phát triển Đảng trong lực lượng DQTV và DBĐV, các cấp ngành cần xem xét, có những cơ chế, chính sách phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ, bảo đảm cho lực lượng DQTV và DBĐV có cơ hội phát huy năng lực, tham gia công tác, cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại địa phương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.