Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò trong công cuộc đổi mới và hội nhập

08:49, 25/10/2017

Một thời gian ngắn sau Cách mạng Tháng Mười, được ánh sáng của Quốc tế Cộng sản soi rọi, đặc biệt là Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, dựa vào bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng ở nước Nga Xô viết, Hồ Chí Minh khẳng định: "An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo phụ nữ quốc tế chỉ bảo".

Như vậy, trong tư duy của Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam muốn thoát khỏi áp bức bất công chỉ có một con đường - đó là đi theo cách mạng và làm cách mạng để giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước. Vì vậy Đệ tam Quốc tế, tổ chức phụ nữ quốc tế… mỗi Đảng cộng sản phải có một Bộ phụ nữ trực tiếp thuộc về phụ nữ quốc tế” (1). Như vậy, Người đã chẳng những nhấn mạnh vai trò của phụ nữ mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong đấu tranh cách mạng.

Trong các văn kiện thành lập Ðảng tháng 2-1930, Bác Hồ đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “Nam nữ bình quyền”  là một trong những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về phụ nữ vận động. Án nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu” (2).

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân rằng: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với nam giới để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Người còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định...

Người còn nhấn mạnh: "Để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ"; và Người còn chỉ rõ rằng: "Chúng ta làm cách mạng để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau” (3). Người cũng đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội: “Non sống gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…”(4). Khi sửa Di chúc năm 1968, Bác dành riêng một đoạn để nói về phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (5).

Chị Lê Thị Nhuệ  (bìa trái) nông dân sản xuất giỏi ở thôn 3, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) truyền đạt kinh nghiệm ươm, chăm sóc cây giống cho lao động địa phương.  Ảnh: N. Xuân
Chị Lê Thị Nhuệ (bìa trái) nông dân sản xuất giỏi ở thôn 3, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) truyền đạt kinh nghiệm ươm, chăm sóc cây giống cho lao động địa phương. Ảnh: N. Xuân

Thấm nhuần tư tưởng và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có nhiều cố gắng nỗ lực để hướng tới sự bình đẳng thực chất cho phụ nữ. Xuyên suốt từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đến các văn kiện Đảng từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XII (2016) đều đề cập đến vấn đề phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nhằm phát huy giá trị và vai trò của phụ nữ trong thời đại mới và thời kỳ hội nhập.

Dưới góc độ Nhà nước, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Cụ thể, Hiếp pháp 2013 kế thừa và tiếp tục ghi nhận quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử cũng như quy định chính sách của Nhà nước trong việc bảo đảm điều kiện để phụ nữ phát triển. Tiếp đó, Luật Bình đẳng giới 2006 ra đời là trung tâm của hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Luật đã cụ thể hóa và hệ thống hóa các quy định về bình đẳng nam, nữ trong các văn bản của nhà nước ta, đồng thời thể chế hóa Công ước CEDAW - điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Sau đó, năm 2011, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia đã được ban hành, gồm 105 chỉ tiêu trong 11 lĩnh vực được phân công cho các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thu thập và thống kê. Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng giới đã được Ủy ban thẩm tra lồng ghép đối với 63 luật, 3 pháp lệnh và 3 nghị quyết. Trong đó có các đạo luật tiêu biểu như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Việc làm, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…

Với những nỗ lực cải cách hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm bình đẳng giới như nêu trên, phụ nữ Việt Nam đã tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chiếm tới 51,5% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam đóng góp ngày càng lớn cho gia đình và xã hội. Trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa vàng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Theo xếp hạng của về chỉ số bất bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia được xếp hạng. Điều đó cho thấy những nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

 Điều kiện sống của đại đa số phụ nữ, trẻ em gái được cải thiện; kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, về chăm sóc sức khỏe được nâng lên; tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy.

Có thể khẳng định rằng, từ truyền thống đến hiện đại, phụ nữ Việt Nam luôn giữ gìn và phát huy vai trò, phẩm chất của mình, từ “công, dung, ngôn, hạnh” đến “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, cho đến “yêu nước, có tri thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó là một dòng chảy liên tục, có sự kế thừa, phát huy và bồi đắp những giá trị, những phẩm chất mới phù hợp với đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng những yêu cầu mà thời đại đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

- (1,2,3,4,) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN năm 2002, tập 1, 3, 6, 12.

- (5) - Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 trang 52.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.