Nỗ lực phát triển đảng viên trong vùng di cư tự do
Những năm qua, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên trong vùng di cư tự do được Đảng bộ huyện Krông Bông hết sức quan tâm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác phát triển đảng viên ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…
Huyện Krông Bông hiện có 14.895 người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, tập trung chủ yếu tại 13 thôn ở 3 xã Cư Pui, Cư Đrăm và Hòa Phong.
Chị Vương Thị Nhung là nữ đảng viên trẻ người Mông duy nhất ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui. |
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Bông Nguyễn Hồng Hà cho biết, những năm qua, Đảng bộ huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển đảng viên là người di cư tự do như: Tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ trẻ, người có trình độ, tâm huyết để tạo nguồn phát triển Đảng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo môi trường để quần chúng rèn luyện, phấn đấu; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể; đặc biệt chú trọng về kế hoạch hóa gia đình… Ban Tổ chức Huyện ủy cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp bổ túc văn hóa hết lớp 9/12 tại địa bàn các xã có người Mông sinh sống, tạo điều kiện cho quần chúng đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn để xem xét kết nạp Đảng.
Bên cạnh đó, Huyện ủy còn tăng cường cán bộ xã về làm bí thư chi bộ tại các thôn người Mông; hằng tháng phân công cán bộ, chuyên viên các ban xây dựng Đảng của Huyện ủy về tham dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn người Mông; thường xuyên tổ chức gặp gỡ những người có uy tín trong vùng người Mông để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.
“Để tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng, trong thời gian tới Huyện ủy sẽ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng" -
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Hồng Hà
|
Bằng những nỗ lực đó, đến nay Đảng bộ huyện đã có 46 đảng viên là người dân tộc Mông, trong đó, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 4 đảng viên mới là người Mông được kết nạp. Ở 13 thôn người Mông trên địa bàn đã thành lập được 13 chi bộ, mỗi chi bộ có từ 5 đảng viên trở lên; có 5 bí thư, 3 phó bí thư chi bộ là người Mông; 187 quần chúng ưu tú là người Mông được học lớp nhận thức về Đảng.
Mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, cho biết: Xã Cư Pui có tỷ lệ người Mông sinh sống đông nhất trong toàn huyện (hơn 56%). Do trình độ dân trí của bà con còn hạn chế nên việc tìm nhân tố tích cực để tạo nguồn phát triển Đảng là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, do tập quán sinh đông con của người Mông nên tình trạng vi phạm chính sách dân số vẫn ở mức cao, khiến việc lựa chọn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp vẫn còn rất khó khăn.
Anh Phùng Văn Máy (bìa trái) ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong là một trong những quần chúng ưu tú nằm trong diện xem xét kết nạp Đảng. |
Ngoài hạn chế về nguồn, khó khăn rất lớn trong công tác phát triển Đảng ở đây là việc xác minh lý lịch. Người Mông thường di cư rất nhiều nơi, chính vì vậy mà khi tìm đến những nơi họ đã từng ở thì nhiều địa phương không biết để xác nhận; phần nữa là do người Mông không thạo tiếng Việt, viết địa chỉ không chính xác…
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc