Chuyện về những người lính biệt động thành mưu trí, dũng cảm
Kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, cách đây 50 năm, các chiến sĩ đội Biệt động K2 thuộc Thị đội Buôn Ma Thuột đã từng là nỗi khiếp sợ đối với quân Mỹ – ngụy với những trận tấn công bất ngờ, gây tổn thất nặng nề cho địch, góp phần giữ vững phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Năm nay đều đã bước sang tuổi “thất thập” song các ông Hồ Xuân Diêm (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) và Lê Viết Thiết (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, sôi nổi. Ít ai biết rằng hai ông từng là thành viên của đội Biệt động K2 dũng cảm, “đánh địch cơ động” tại thị xã Buôn Ma Thuột trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Hồ Xuân Diêm, người đội trưởng nổi tiếng “đã đánh là thắng” của đội Biệt động K2, từng tham gia du kích mật ở Quảng Nhiêu (Cư M’gar) khi mới 16 tuổi. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Diêm là bộ đội thuộc Trung đội B2, lực lượng vũ trang H5 tham gia tấn công vào quận Sút M’rư (Cư M’gar bây giờ). Còn ông Lê Viết Thiết, vốn là cư dân của dinh điền Thăng Đạt (Đạt Lý 2, nay là thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), cũng là du kích mật từ năm 14 tuổi. Năm 16 tuổi, bị địch bắt trong một lần tham gia vận chuyển lương thực, ông bị đưa đi cải huấn, đến khi trở về lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đội du kích của ông Thiết phối hợp với lực lượng vũ trang H5 làm nhiệm vụ rải truyền đơn, nắm tình hình của địch, ném lựu đạn vào các căn cứ của địch.
Ông Hồ Xuân Diêm (thứ ba từ phải sang) và ông Hồ Viết Thiết (thứ hai từ phải sang) vui mừng gặp lại các đồng đội cũ. |
Mậu Thân 1968 cũng là thời điểm ông Diêm và ông Thiết trở thành những chiến sĩ biệt động thành. Ông Diêm vẫn còn nhớ, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch bố ráp gắt gao, nhiều cơ sở mật của ta trong nội thành bị lộ. Trước tình hình đó, các đội xung kích, tự vệ mật, biệt động được thành lập gồm các cán bộ, đội viên, chiến sĩ kiên cường, mưu trí, dũng cảm được trang bị gọn nhẹ như đặc công, có khả năng đánh địch, hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp bí mật tiếp cận mục tiêu chủ yếu ở vùng ven và nội thị để đánh tiêu diệt hoặc gây tổn thất nặng nề cho địch, giữ vững phong trào ở các vùng ven thị xã và các huyện. Trong đó, đội Biệt động K2 (thành lập ngày 20-6-1968) do ông Hồ Xuân Diêm làm đội trưởng hoạt động ở vùng ven phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, điểm chính là khu vực Đạt Lý 2 (thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận ngày nay). Được biên chế thành 4 tiểu đội, trang bị súng B40, B41, M79, tiểu liên gọn nhẹ và với phương thức “lấy vũ khí địch đánh địch”, đội Biệt động K2 đã tổ chức nhiều trận đánh hiệu quả vào các mục tiêu của địch như: trụ sở hành chính các ấp trong nội thị, đài phát thanh, trụ sở Ty Cảnh sát ngụy, các cứ điểm vùng ven…, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, sĩ quan, cảnh sát, đặc vụ, mật vụ, chỉ điểm…
Ngay sau khi thành lập, vào ngày 19-10-1968, đơn vị đã tấn công trạm kiểm soát tổng hợp Km3 do địch lập ra án ngữ cửa ngõ ra vào nội thị. Đội Biệt động K2 đã tổ chức trận đánh thắng lợi dù quân địch rất đông và được trang bị vũ khí đầy đủ. Vào tháng 11-1968, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tỉnh đội, đội Biệt động K2 đã tổ chức đánh 4 trận vào các trụ sở hành chính của địch, phá hỏng trụ sở cảnh sát ngụy, vận động phối hợp với nhân dân treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khắp thị xã khiến địch hoang mang, lo sợ. Tháng 12-1968, đội Biệt động K2 đánh vào Ty Thông tin tuyên truyền tâm lý chiến của địch, giáng đòn cảnh cáo vào bộ máy tuyên truyền xuyên tạc của chúng. Đặc biệt, đội còn tổ chức tấn công đài phát thanh của địch vào trưa ngày 14-6-1968, tiêu diệt nhiều địch, đánh sập hầm chỉ huy trú ẩn, thu nhiều vũ khí và một máy gọi truyền tin. Chưa đầy nửa tháng sau, vào đêm 27-6-1969, các chiến sĩ biệt động lại tổ chức đánh tập kích sân bay L19, bắn cháy 3 máy bay trinh sát của địch, giết chết 12 tên cố vấn Mỹ…
Trận đánh vào Tổng kho Mai Hắc Đế ngày 15-3-1970 tiếp tục là một chiến công của các chiến sĩ Biệt động K2 khiến quân địch hoang mang, khiếp sợ. Với kỹ thuật chiến đấu đặc công, bốn thành viên của đội đã tiếp cận và đặt kíp nổ phá hủy hoàn toàn một nhà kho chứa vũ khí và đạn dược, làm hư hỏng hai nhà kho khác. Bằng sự táo bạo, dũng cảm, các chiến sĩ đội Biệt động K2 đã đánh, tiêu diệt địch ngay trong lòng địch, như: trận diệt 80 sĩ quan tâm lý chiến của Sư đoàn 23 ngụy trong rạp chiếu bóng Lodo (nay là rạp Nguyễn Huệ); phá cuộc mittinh, biểu tình chống cộng tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột; đánh bom đồn cảnh sát ở suối Đốc Học; tổ chức treo cờ giải phóng tại Trường Bồ Đề trong khuôn viên của Giáo hội Phật giáo bên cạnh chùa Khải Đoan... Không chỉ đánh địch trong nội thị, đội Biệt động K2 còn tổ chức đánh địch đóng quân ở các vùng ven thị xã Buôn Ma Thuột, như: trận tập kích lên đồi La San (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) diệt gần hết một trung đội địch đang chốt giữ tại cao điểm này; tập kết địch ở buôn Sút M’rư; bất ngờ đánh địch gần sình Chư Tin thuộc xã Cuôr Knia…
Ông Hồ Xuân Diêm (trái) và ông Hồ Viết Thiết đang ôn lại những năm tháng chiến đấu. |
Từ 1968-1975, đội Biệt động K2 đã tổ chức 126 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng nghìn tên Mỹ - ngụy, ác ôn, đầu sỏ, gián điệp; tịch thu, phá hủy nhiều vũ khí, khí tài của địch… |
Trong trận chiến đấu giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, đội Biệt động K2 được phân công nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào các mục tiêu quan trọng, then chốt trong thị xã; vận động nhân dân vùng lên đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kềm giành chính quyền về tay nhân dân. Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, đội Biệt động K2 tham gia phát hiện, vận động ngụy quân, ngụy quyền ra đầu thú, nộp tài liệu, vũ khí, tiếp quản các công sở, tài sản thu được của địch, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Với những thành tích đó, đội Biệt động K2 đã được tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý và đang lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến tranh
đã lùi xa hơn 40 năm. Mỗi khi nhớ đến những năm tháng chiến đấu, ông Diêm và ông Thiết không khỏi nghẹn ngào: Từ năm 1968-1975, đã có hơn 100 cán bộ, đội viên đội Biệt động K2 hy sinh; trong đó nhiều người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Máu xương của các anh, các chị đã hòa vào sông núi để mang lại độc lập, bình yên cho Tổ quốc.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc