Multimedia Đọc Báo in

Dội bão lửa xuống đầu thù

08:06, 31/01/2018

Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 401 Đặc công của tỉnh Đắk Lắk được thành lập tại cánh rừng buôn Tua, buôn K’man (H6 - nay là huyện Krông Ana).

Đêm 4-1-1968, Tiểu đoàn 401 sử dụng 2 đại đội tập kích vào hậu cứ địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, lập chiến công giòn giã đánh dấu ngày thành lập đơn vị. Đại đội 310 phối hợp cùng đơn vị hỏa lực (B6) của Tiểu đoàn đánh vào sân bay L19, phá hủy 15 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu 73 tên địch.

Sau trận đánh thọc sâu vào thị xã, Đại đội 308 và đơn vị hỏa lực của Tiểu đoàn 401 chấp hành mệnh lệnh hành quân vượt sông, băng qua cánh đồng buôn Trấp, cắt rừng Thâm Trạch tiến quân về Lắk.

Đêm 21-1-1968, Đại đội 308 tập kích quận lỵ Lắk; tiểu đoàn 301 bộ binh của tỉnh đánh ấp Liên Sơn. Các đơn vị phối hợp tác chiến đánh thiệt hại nặng quận lỵ Lắk, diệt và làm bị thương hàng trăm tên ngụy.

Từ Lắk, các đơn vị hành quân khẩn cấp về phía nam thị xã Buôn Ma Thuột theo yêu cầu hợp đồng chiến trường. Qua những ngày đêm bôn tập khẩn trương, lực lượng về tập kết tại vùng buôn M’blớt, buôn Thâm…(H6), với khí thế sôi nổi, tất bật chuẩn bị đánh lớn, các đơn vị náo nức chờ lệnh, hậu cần bảo đảm các mặt cho chiến đấu, dân công mở đường, vận chuyển… phục vụ hỏa tuyến nhộn nhịp…

 Đúng giờ “G”, các đơn vị chỉnh tề nghe  đọc lệnh của Bộ Tư lệnh quân giải phóng. Cán bộ và chiến sĩ lòng rộn rực tiến quân vào Buôn Ma Thuột.

0 giờ 45 phút (đêm giao thừa Mậu Thân 1968), pháo lệnh tấn công thị xã Buôn Ma Thuột nổ vang, Tiểu đoàn 34 (mặt trận B3) dội pháo mặt đất từ đồi buôn Tăng Jú phóng vào Sư bộ 23, Trung đoàn bộ 45 ngụy. Súng to, súng nhỏ nổ ran như sấm rền, chớp giật, đạn bay như mưa nhằng nhịt đỏ lừ vạch nát không trung, pháo sáng đèn dù vọt lên trời sáng trưng. Thị xã Buôn Ma Thuột ngập chìm trong biển lửa khói. Máy bay trực thăng địch từ phi trường Buôn Ma Thuột hối hả bay lên phành phạch rền rĩ, chiếc đi trước pha đèn sáng trắng xuống đất, những chiếc theo sau xả cối, phóng rốc-két, bắn đạn 20 ly tới tấp hòng ngăn chặn sự tấn công của quân ta.

Lực lượng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột của ta theo hai hướng chủ yếu. Cánh quân hướng nam gồm: Tiểu đoàn 301 đánh Ty ngân khố, Tòa hành chính phát triển sang đánh Tiểu khu Đắk Lắk; Đại đội 308 (d401) đánh khu bảo an; Đại đội 309 (d401) đánh khu Lao Xá; Tiểu đoàn 39 (B3) đánh đài phát thanh; Đại đội 314 (của tỉnh) và hỏa lực của d401 giã cối 82 ly, DKZ nã vào các căn cứ sân bay L19, sân bay Hòa Bình, Trung đoàn bộ 45 ngụy. Cánh quân hướng Bắc có Đại đội 310 (d401) đánh khu thiết giáp; Trung đoàn 33 (B3) đánh vào thị xã, phát triển ra hướng sân bay L19.

Trong 7 ngày đêm quân ta tấn công Buôn Ma Thuột, cuộc chiến đấu diễn ra gay go quyết liệt, địch và ta giành giật từng đường phố, căn nhà. Quân giải phóng đánh lui nhiều cuộc phản công của bộ binh ngụy có xe tăng yểm trợ, máy bay trực thăng phản lực ứng cứu, kẻ thù đã bị tổn thất nặng nề.

Trước tình thế chiến sự nguy cơ căng thẳng, Mỹ - ngụy tức tốc điều lực lượng từ Pleiku; Lữ dù 172 Mỹ vào tiếp sức đồng bọn ở Buôn Ma Thuột…

Cùng với chiến trường Đắk Lắk, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam đã giáng đòn sấm sét, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Lịch sử đã sang trang nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Buôn Ma Thuột còn âm vang mãi…        

Đoàn Viết Doãn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.