Xuân Mậu Thân 1968 trong hồi ức của các cựu giáo chức
Sau 50 năm diễn ra chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, các cán bộ, giáo viên, học sinh ngành GD-ĐT tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đắk Lắk đã có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về một thời đạn bom năm xưa trong buổi gặp mặt do Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức.
Nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không thể xóa nhòa trong tâm trí những nhân chứng lịch sử của ngành Giáo dục ngày ấy.
Ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh nhớ lại: Ngành Giáo dục – Đào tạo lúc bấy giờ là một bộ phận trong ngành Tuyên – Văn – Giáo – Huấn của tỉnh, có nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức bộ máy giáo dục cấp tỉnh, các huyện vùng giải phóng và mở trường, lớp đào tạo, giáo dục học sinh, xóa mù chữ cho đồng bào, cán bộ lực lượng vũ trang bằng tiếng phổ thông và Êđê, đồng thời thực hiện mọi nhiệm vụ do Ban phân công. Tuy cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không đông, ngoài lực lượng tại chỗ không nhiều (gồm một ít đồng chí rút từ buôn làng, từ các dinh điền mới được giải phóng có trình độ học lực cấp 1, 2, 3), Trung ương chi viện 2 đợt với 10 cán bộ, giáo viên cấp 2, cấp 3 cho Đắk Lắk.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, thầy và trò ngành Giáo dục tỉnh dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Cán bộ giáo viên vừa tham gia tổng công kích vào thị xã; tham gia đội quân chính trị từ vùng căn cứ cùng đồng bào trong ấp chiến lược, đồng bào nội thị nổi dậy hình thành mũi giáp công chính trị, binh vận. Một bộ phận tham gia lực lượng vũ trang đánh địch chống càn quét, lấn chiếm, bảo vệ dân, bảo vệ lực lượng cách mạng vùng căn cứ và tham gia tổng công kích vào thị xã. Một bộ phận đông đảo sản xuất lương thực, vót chông rào làng, bảo vệ lực lượng cách mạng vùng căn cứ và cán bộ lực lượng vũ trang huyện, tỉnh, tham gia đội quân chính trị từ vùng căn cứ cùng đồng bào trong ấp chiến lược, đồng bào nội thị nổi dậy, hình thành mũi giáp công chính trị, binh vận. Một bộ phận giáo viên, học sinh nội thành được tuyên truyền, giác ngộ, được huấn luyện thành cơ sở cách mạng tham gia nội ứng, giao liên dẫn đường, đánh địch, treo cờ, rải truyền đơn... trong thị xã, trong vùng địch tạm chiếm, gây hoang mang, làm tan rã hàng ngũ binh lính ngụy...
Lãnh đạo ngành Giáo dục và các đại biểu cùng ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng. |
Đối với cựu giáo chức Nguyễn Trúc (nhà văn Trúc Hoài), những ngày tháng ấy tuy gian lao nhưng khí thế rất hào hùng. “Ta thế mỏng, thiếu thốn từ hạt gạo, viên thuốc, trong chiến đấu phải tiết kiệm từng viên đạn. Ngày ngày ăn sắn, ăn khoai, thiếu từng hạt muối khiến nhiều người phát phù vì thiếu chất, nhưng ý chí đánh địch để giải phóng quê hương thì ngùn ngụt trong từng huyết quản. Khi ấy, tôi là giáo viên nhưng được cử làm phóng viên Báo Giải phóng của Tỉnh ủy Đắk Lắk do đó có điều kiện đi rất nhiều mặt trận của lực lượng vũ trang tỉnh trong nội thị cũng như ở các địa phương. Tham gia đi cùng đoàn biểu tình Xuân Mậu Thân 1968, tôi còn nhớ rõ trên cánh tay của mọi người đều có dòng chữ “nợ máu trả bằng máu” và trên ngực là câu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - hai dòng chữ đó cũng thể hiện sự quyết liệt trong trận đấu tranh này. Trong đoàn biểu tình cánh Đông có khoảng 9.000 người tham gia, đến km 12, đạn của địch bắn xối xả vào đoàn người, hy sinh nhiều vô kể, trong đó có Má Hai, chị Mười (vợ anh Cẩm) cũng hy sinh ở đây, để lại con nhỏ bên rừng cao su... Không thể nào nói hết sự hy sinh máu xương của đồng bào chiến sĩ ta, trong những ngày đó...”, ông Nguyễn Trúc nói trong xúc động.
Niềm vui của cán bộ, giáo viên, học sinh ngành Giáo dục trong ngày gặp mặt. |
Cùng chung niềm cảm xúc, ông Bùi Văn Đồng (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) kể lại: Khi ấy, được các cán bộ về tuyên truyền, tập hợp lực lượng đi đấu tranh chính trị, ai nấy đều phấn khởi, tinh thần dâng cao, xung phong đi, kể cả các bà, các mẹ, các chị có con nhỏ. Đoàn biểu tình tập hợp tại hội trường, được học thuộc chỉ thị, học thuộc cách thức biểu tình, quyết xông lên. Trước đêm 30-1-1968 khoảng vài ngày, đoàn bắt đầu xuất phát từ H9, đi xuyên qua Quảng Cư, đến suối Ea Ô, rồi xuyên Quốc lộ 26... vừa nghỉ ngơi vừa tiếp nhận lương thực, sau đó tập kết lại và phổ biến kế hoạch, với một quyết tâm rất cao là chờ đến giờ G sẽ vào Buôn Ma Thuột cướp chính quyền.
Ông Đồng hồi tưởng: “Đêm mùng Một chúng tôi tập kết và hành quân từ Tự Cung, khoảng 3 giờ sáng dừng lại tại Nông trường Thắng Lợi bây giờ và nằm chờ đến 4 giờ sáng, Chỉ huy đoàn cho xếp thành 6 hàng hành quân thẳng lên phía trước. Dù bị pháo sáng, đèn pha chiếu xuống, chúng tôi vẫn cứ tiến lên, sau đó địch nổ súng tấn công, chặn đứng đoàn biểu tình. Rất nhiều người bị bắn gục, nhưng đoàn người vẫn xông tới. Chúng tôi cầm cờ, băng-rôn hô to khẩu hiệu, cứ thế xông lên. Địch quăng lựu đạn, bắn rát rạt, trong đoàn biểu tình lớp lớp người ngã xuống, một số người bị bắt, đại bộ phận tan rã, số đông thì chạy ngược về phía Đạt Lý, một số nữa chạy ngược về phía cánh Nam, về phía Khuê Ngọc Điền...”. Cuộc đấu tranh này đã được ghi nhận trong lịch sử là góp phần cùng với quân và dân miền Nam đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh... tuy nhiên trong trận này chúng ta đã hy sinh, tổn thất không ít...
Ký ức về những ngày tháng chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy anh dũng, hào hùng cứ sống động qua từng lời kể. Những người từng công tác trong ngành Giáo dục tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk, giờ đây chỉ còn lại đôi mươi người, hầu hết đều đã cao tuổi, nhưng hình ảnh sôi động, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ được trực tiếp tham gia, hòa mình vào không khí ngày ấy vẫn mãi mãi là những ký ức không thể nào quên...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc