Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ huyện Krông Búk: Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

09:26, 26/03/2018

Những năm qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Krông Búk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa phương.

Đảng bộ huyện Krông Búk có 28 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 13 đảng bộ và 15 chi bộ; 202 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 2.462 đảng viên. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Búk Hoàng Khắc Thuyên cho biết, để từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, phân công các đồng chí lãnh đạo, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng cường tham dự sinh hoạt với đảng ủy, chi bộ nơi phụ trách để nắm bắt tình hình, từ đó có sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Nhờ đó, nội dung sinh hoạt của các chi bộ luôn bám sát với tình hình thực tế địa phương; phát huy quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong triển khai công việc…

Đảng bộ xã Cư Kbô có 30 chi bộ trực thuộc, trong đó có 21 chi bộ thôn, buôn. Đồng chí Y Ly Mlô, Bí thư Đảng ủy xã cho hay, những năm trước, nhiều chi bộ cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, chất lượng chưa cao, nội dung còn nghèo nàn, đơn điệu… Để khắc phục tình trạng này, đảng ủy xã đã phân công các đồng chí đảng ủy viên về tham dự sinh hoạt với các chi bộ. Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ thôn, buôn định kỳ còn mời bí thư chi bộ các thôn, buôn khác về dự, theo dõi nội dung sinh hoạt, tham gia đóng góp ý kiến bổ sung để từng bước rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng. Nhờ cách làm này, hằng năm, Đảng bộ xã có trên 90% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó Trưởng Đoàn  đại biểu Quốc hội tỉnh  Y Khút Niê (thứ hai từ trái sang) trao đổi  với các  đồng chí lãnh đạo Đảng ủy  xã Ea Sin.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã Ea Sin.

Một trong những điển hình trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là Chi bộ thôn Kty 3, xã Cư Kbô. Ông Trần Văn Ất, Bí thư chi bộ chia sẻ: Trong các kỳ sinh hoạt hằng tháng, chi bộ thôn đều dành nhiều thời gian để đảng viên thảo luận nhằm đưa ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn. Nội dung sinh hoạt chú trọng vào những vấn đề phát sinh, sát với tình hình địa phương như: nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; xóa đói giảm nghèo; vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới... Chi bộ cũng phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của đảng viên trong việc vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mỗi đảng viên nhận trách nhiệm giúp đỡ từ 1-2 hộ thoát nghèo/năm. Từ đó, các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu, vận động nhân dân mua giống sầu riêng, bơ, cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao trồng xen trong vườn cà phê, đem lại thu nhập khá. Toàn thôn hiện còn 8 hộ nghèo (giảm 2 hộ so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 35 triệu đồng/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015).

Cán bộ xã Tân Lập, huyện Krông Búk kiểm tra tuyến đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng ở thôn Tân Thịnh.
Cán bộ xã Tân Lập, huyện Krông Búk kiểm tra tuyến đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng ở thôn Tân Thịnh.

Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Khắc Thuyên, hầu hết nội dung sinh hoạt của các chi bộ đã được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể hơn và gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn tại cơ sở. Nhiều chi bộ đã phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhờ đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, năm 2017, Đảng bộ huyện Krông Búk có 20 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và 111 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ và đảng viên yếu kém. Kết quả này chính là động lực để Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.