Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ công trực tuyến: Còn nhiều "vật cản"

08:07, 28/03/2018

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) một cách thuận tiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ.  Mức độ 1 là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về TTHC và các văn bản có liên quan quy định. Mức độ 2 bao gồm dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 3 gồm dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 4 gồm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Yang Tao, huyện Lắk.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Yang Tao, huyện Lắk.

Tại Đắk Lắk, đến cuối tháng 8-2017 đã hoàn thành việc triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (iGate) cho 19/19 sở, ban, ngành, 15/15 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 184/184 UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hiện tại có trên 100 tài khoản đăng ký của người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công mức độ 3 trở lên trên hệ thống iGate. Qua đó đã góp phần đáng kể trong công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng về hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, kết quả triển khai, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị phần lớn chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng hồ sơ được xử lý trên hệ thống chưa nhiều, đặc biệt là các TTHC công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4.

Nguyên nhân khiến dịch vụ công trực tuyến chưa được đông đảo người dân thực hiện là do khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận dân cư còn thấp, chưa biết cách sử dụng, truy cập để giao dịch TTHC trên môi trường mạng. Mặt khác do tâm lý và thói quen của người dân còn e ngại, muốn đến thực hiện TTHC trực tiếp tại cơ quan nhà nước để được yên tâm hơn. Ông Nguyễn Đức Lập (thôn 8, xã Ea Păl, huyện Ea Kar) nói: “Tôi có nghe nói đến dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên tôi vẫn trực tiếp đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã để thực hiện TTHC, một phần bởi tiện đường, không mất nhiều thời gian, phần khác là muốn được cán bộ, công chức hướng dẫn cụ thể, xem mình kê khai hồ sơ còn thiếu gì nữa không...”.

Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Bông Krang, huyện Lắk.
Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Bông Krang, huyện Lắk.

 

Đến giữa tháng 3-2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận 79.413 hồ sơ, giải quyết 70.165 hồ sơ trực tuyến mức độ 2 theo cơ chế một cửa điện tử liên thông; có 1.334 hồ sơ nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, tỷ lệ 1,8 %.

Thêm một nguyên nhân nữa là sự chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phần mềm trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, song song với hệ thống iGate chung của tỉnh thì một số ngành đang sử dụng các phần mềm chuyên ngành do Bộ chủ quản triển khai, nhưng chưa được liên thông, tích hợp dữ liệu với hệ thống dùng chung của tỉnh nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh theo cơ chế một cửa liên thông. Điều này cũng tạo sự bất cập trong triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 tại địa phương, dẫn đến việc gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với công tác cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả thấp. Mặt khác, bộ TTHC ở một số cơ quan, đơn vị chậm công bố, hay thay đổi, còn ràng buộc nhiều về giấy tờ, thủ tục; nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu sự quyết tâm thì khó thực hiện theo cơ chế điện tử liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao...

Để khắc phục tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ra Lan Trương Thanh Hà cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần gia tăng mức độ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng cho mọi hoạt động truy xuất thông tin nhanh chóng. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công trực tuyến...

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc