Multimedia Đọc Báo in

Tạo dựng niềm tin là vấn đề then chốt trong công tác dân vận

08:51, 03/04/2018

Làm thế nào để “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo dựng niềm tin, uy tín trong lòng dân, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nhiệt tình, trách nhiệm, xông xáo với công việc… là những ý kiến đóng góp, trăn trở của các đại biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và bàn giải pháp nâng cao chất lượng, đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh vừa được Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức.

• Nói đi đôi với làm thì dân vận mới thành công (Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Chí Quyết)

Là một lão thành cách mạng, từng tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhớ lại những ngày tháng được cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tập, lao động, chiến đấu với bà con vùng ĐBDTTS. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, các cơ sở cách mạng, cơ quan của Tỉnh ủy và từng cán bộ, chiến sĩ đều được đồng bào bảo vệ, che chở, cưu mang. Bà con ở các buôn làng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, chấp nhận hy sinh gian khổ để tiếp tế lương thực, súng đạn, cứu chữa thương binh.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Lê Chí Quyết.
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Lê Chí Quyết.
 

Những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm, giải pháp được các đại biểu, đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành chia sẻ tại hội nghị rất thiết thực, quý báu trong tình hình hiện nay, góp phần cùng hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Hiểu được vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của người dân vùng ĐBDTTS, tôi đã tự mày mò, học hỏi tiếng nói, chữ viết của đồng bào Bana, Êđê để có thể “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Theo tôi, muốn làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng ĐBDTTS, phải hiểu được lòng dân, tin dân và tôn trọng nhân dân; cần nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều mà làm chưa đủ, chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc bắt đầu từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đến công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS. Và quan trọng hơn cả đó chính là việc kiện toàn bộ máy làm công tác dân vận với những cán bộ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm.

• Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

(Nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Y Per Niê Kđăm)

Nguyên Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy Y Per Niê Kđăm.
Nguyên Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy Y Per Niê Kđăm.

Công tác dân vận, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở các buôn ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay tình hình an ninh chính trị cơ sở vẫn có những diễn biến phức tạp, cán bộ thôn, buôn hoạt động còn yếu, không nắm sát tình hình, tư tưởng của nhân dân. Trong khi đó, bọn phản động tăng cường tuyên truyền xuyên tạc chế độ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ dân tộc, kích động và lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin. Do vậy cần làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng, nhất là ở vùng ĐBDTTS. Công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ riêng của Ban Dân vận các cấp mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để xây dựng mối quan hệ gắn kết với nhân dân, các cơ quan, đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác kết nghĩa, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, bám buôn để vận động quần chúng, giúp bà con phát triển kinh tế, nhất là ở các thôn, buôn trọng điểm.

• Đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác dân vận (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm)

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm.

Để công tác dân vận thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, người làm dân vận phải khéo, đạt đến trình độ nghệ thuật trong việc tạo dựng niềm tin trong lòng dân. Các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận rất đầy đủ, xuyên suốt với nhiều giải pháp căn cơ, sát với tình hình cụ thể theo từng giai đoạn lịch sử, vấn đề còn lại là vận dụng như thế nào cho hiệu quả. Phải xác định rằng, làm dân vận không hề dễ, bởi nếu dễ thì sao vẫn còn một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự điều hành của chính quyền, vẫn còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Vì vậy, muốn làm dân vận hiệu quả cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến cơ chế chính sách, điều kiện cho những người làm dân vận hoạt động, cống hiến. Đồng thời, các cấp, ngành cần chủ động nắm chắc tình hình, đưa ra dự báo và xây dựng phương án để tuyên truyền vận động, giải quyết điểm nóng ngay từ cơ sở, phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” để tạo dựng niềm tin của dân với Đảng.

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.