Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII):
Cải cách chính sách tiền lương cần có quyết tâm chính trị rất cao
Chiều 9-5, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận tại Hội trường về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.
15 Ủy viên Trung ương phát biểu ý kiến, trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện Đề án.
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Chính sách tiền lương ở nước ta tính đến nay đã trải qua 4 lần cải cách. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương đang tồn tại nhiều bất cập, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội.
Thảo luận tại hội trường, các Ủy viên Trung ương đánh giá cao Đề án cải cách chính sách tiền lương được trình tại Hội nghị lần này, cho rằng Đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính khả thi cao. Đề án với nhiều giải pháp mang tính đột phá, khi được đưa vào thực hiện chắc chắn sẽ được người lao động đón nhận và đồng tình, góp phần giảm thiểu tình trạng tiêu cực, nhũng nhiều trong đội ngũ cán bộ, công chức...
Toàn cảnh phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương chiều 9-5. (Ảnh:TTXVN) |
Các đại biểu bày tỏ đồng tình với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Đề án, trong đó có việc xác định tiền lương là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động…
Đóng góp ý kiến vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề án đề ra, các đại biểu tập trung phân tích các nguồn lực và phương thức huy động nguồn lực để thực hiện đề án, cho rằng đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Đề án đưa ra ba kịch bản tăng lương tương ứng với 3 mức tăng trưởng kinh tế hằng năm là 7%, 6% và 5%. Nếu không thực hiện được tăng trưởng kinh tế thì nguy cơ Nghị quyết không thể thực hiện là rất cao. Theo ông, cải cách chính sách tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động. Để thực hiện được điều này, thì phải thực hiện được Nghị quyết Trung ương 3 khóa 11 về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế và gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề lớn, cần phải có quyết tâm chính trị rất cao. Tuy nhiên, quyết tâm chính trị không chỉ trong việc thực hiện Nghị quyết này, mà cần đặt cả vào các Nghị quyết Trung ương 6 đã ban hành và Nghị quyết liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác sẽ có tính chất quyết định đối với thành công của Đề án cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Nhật Quang, Đề án cải cách phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công, cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động. Nguyên tắc thị trường nên coi là nguyên tắc quan trọng cải cách tiền lương.
Bổ sung thêm giải pháp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt gánh nặng chi ngân sách tiền lương.
Một số ý kiến cho rằng, cần tiết kiệm, giảm chi tiêu, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm việc giảm 10% chi tiêu thường xuyên; thực hiện cho được Đề án tinh giản biên chế, xác định vị trí việc làm. Để chuẩn bị cho Đề án, thì ngay bây giờ phải có các bước chuẩn bị chứ không thể đợi đến năm 2021. Một số ý kiến đề nghị cần thực hiện với quyết tâm cao, không để tình trạng chưa làm đã lo không có tiền…
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu lưu ý trong quá trình cải cách cần chú ý đến tính vùng miền, không cào bằng, vì đặc thù, mức độ chi phí của mỗi vùng miền khác nhau. “Tỉnh nhỏ, một công chức phụ trách vài trăm dân, tỉnh, thành phố lớn thì có đến hàng nghìn dân. Chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của các đồng chí bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền thì rất nguy hiểm. Một lần nữa chúng ta kéo lùi chính sách tiền lương” - Ông Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân nêu ý kiến.
Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu thẳng thắn nêu ra như việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ liệu có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ? hay vấn đề phải bảo đảm Đề án sau khi được đưa vào thực hiện không có tác động giảm thu nhập đối với một bộ phận người lao động nào…
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc