Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII): Trung ương thảo luận Đề án về công tác cán bộ

09:12, 09/05/2018

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai (8-5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận tại hội trường về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đều đánh giá cao Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình tại Hội nghị Trung ương lần này; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…

Liên quan đến việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận  tải Nguyễn Văn Thể, bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với đồng chí đó cũng sẽ chặt chẽ hơn; bản thân đồng chí cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân. Chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương,  ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình trong xử lý công việc. Tuy nhiên, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đến đặc thù vùng miền, giúp cán bộ nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Một số ý kiến đề nghị triển khai nhất quán ngay từ đầu chủ trương này, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và để làm được điều này, thì ngay từ bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Bí thư, bảo đảm tính chất vùng miền, dân tộc... Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh Chủ tịch, nhằm ngăn chặn tận gốc quyền lực ở địa phương.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào khâu đánh giá cán bộ; cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo, đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục... Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng tình với hình thức đánh giá này, đồng thời yêu cầu tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ hiện nay, vì đây sẽ là đội ngũ cán bộ được đào tạo thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thời gian tới.

Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.

(Theo VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.