Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII): Thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

08:35, 11/05/2018

Ngày 10-5, Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) bước sang ngày làm việc thứ 4, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đề án cải cách chính sách BHXH lần này, cho rằng Đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao. Nội dung Đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là một Đề án lớn cần được triển khai đồng bộ với nhiều đề án, chương trình khác mới bảo đảm sự thành công. Các ý kiến tập trung phân tích những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đề ra, đặc biệt là việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, bảo đảm cân đối thu chi bền vững của quỹ.

Theo đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, muốn phát triển được BHXH thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay chúng ta còn 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của BHXH và đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để hướng tới BHXH toàn dân, cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và chỉ 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần cân nhắc việc thay đổi điều kiện, chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong Đề án.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: TTXVN)
Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng bởi điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Tỷ lệ này hiện nay là một người đóng thì một người rút. Đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận; như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần.

Việc trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH không phải là vấn đề mới mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kể cả doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan BHXH. Số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 là gần 15.000 tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động đồng thời với thu thuế.

Việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay, nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm cân đối quỹ BHXH... Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, Trung ương cần có quyết tâm chính trị rất lớn. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng. Cũng cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động, thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm. Như vậy, chúng ta nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao hay những ngành nghề như dưới hầm lò, cầu đường…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

(Theo VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.