Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

08:50, 23/06/2018

Nhằm tạo “sân chơi” giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, đồng thời góp phần vào việc đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên, mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2018.

Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh là một hình thức sinh hoạt chính trị quan trọng trong công tác Đảng năm 2018. Tham gia hội thi có 34 thí sinh là giảng viên thuộc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (TTBDCT) các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo viên của các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Mỗi thí sinh trải qua 3 phần thi gồm: soạn giáo án gửi về trước cho Ban tổ chức hội thi; thi thuyết giảng trong thời gian 25 phút; thi ứng xử, trả lời câu hỏi phụ do Ban giám khảo đặt ra trong thời gian không quá 5 phút. Nội dung bài thi tập trung vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và hướng dẫn như: chương trình học tập lý luận chính trị dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, chương trình sơ cấp lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề.

Thí sinh thuyết giảng bài thi trước Ban giám khảo.
Thí sinh thuyết giảng bài thi trước Ban giám khảo.

Là người đoạt giải Nhất tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp huyện năm 2018, đến với hội thi cấp tỉnh, thí sinh Phạm Tấn Thỏa, Phó Giám đốc TTBDCT thị xã Buôn Hồ đã lựa chọn bài giảng “Quan điểm của Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam”. Với phong cách thuyết trình đĩnh đạc, tự tin, lôi cuốn, anh đã chuyển tải thành công nội dung bài giảng một cách dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn, được Ban giám khảo đánh giá cao và đã đoạt giải Nhất của hội thi cấp tỉnh.

 
“Thành công tại hội thi mới chỉ là kết quả bước đầu, điều quan trọng là làm sao kết quả hội thi được phát huy trong công tác thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Do đó, các thí sinh tham gia hội thi cần tiếp tục phát huy ưu điểm, tích lũy kinh nghiệm, làm tốt nhiệm vụ. Các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện cần tăng cường đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, củng cố, kiện toàn và thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên”. 
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức hội thi Huỳnh Thị Chiến Hòa

Anh Phạm Tấn Thỏa cho biết, đến với hội thi này, anh đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nội dung, thực hành bài giảng cho các đối tượng Đảng, xin ý kiến phản hồi và điều chỉnh sao cho hoàn thiện nhất. Bên cạnh việc nghiên cứu, cập nhật những thông tin, văn bản, nghị quyết mới, anh còn tìm những dẫn chứng từ thực tiễn để minh họa cho bài giảng thêm phần phong phú, lôi cuốn người nghe.

Còn đối với thí sinh Nguyễn Đình Sơn, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tuy lần đầu tiên tham gia hội thi nhưng anh cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho bài giảng: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức” từ nội dung đến xây dựng sơ đồ khái quát bài giảng, sử dụng các slides trình chiếu giúp người nghe dễ tiếp nhận. Bài giảng của anh đã đoạt giải Nhì tại hội thi. Theo anh Sơn, hội thi được tổ chức rất chuyên nghiệp, đúng không khí một lớp học, chất lượng thí sinh cao và đồng đều. Qua hội thi, anh đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm của các đồng nghiệp về cách trình bày, phương pháp giảng bài, khuyến khích tinh thần học tập lý luận chính trị.

Đánh giá về hội thi, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban tổ chức hội thi Nguyễn Cảnh cho rằng, Hội thi lần này có số đơn vị và thí sinh dự thi đông hơn, trẻ hơn, nữ nhiều hơn. Đa số các thí sinh đã đầu tư, nghiên cứu, chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng, 100% giảng viên sử dụng Powerpoint trong giảng bài và có sự liên hệ thực tế sát thực tại đơn vị, địa phương mình. Nhiều thí sinh thuyết giảng rất tự tin, lôi cuốn, làm chủ bài giảng, thoát ly giáo án và bình tĩnh, tự tin trong câu trả lời cho phần thi ứng xử, được Ban tổ chức, Ban giám khảo đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo án chuẩn bị chưa chu đáo, sáng tạo, thiếu dẫn chứng minh họa và liên hệ thực tiễn; bài giảng chưa đi vào trọng tâm của vấn đề, thiếu phương pháp, kỹ năng sư phạm; một số thí sinh chưa trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.