Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tinh thần bác ái, yêu thương

09:31, 18/06/2018

Với tinh thần “Sống tốt đời đẹp đạo”, thời gian qua đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đoàn kết gắn bó, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, trong đó nổi bật là hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Nhiều năm nay, cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành địa chỉ, mái nhà chung của những trẻ em khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị trên địa bàn tỉnh. Những nữ tu nơi đây, bằng tấm lòng nhân ái, yêu thương, như những người mẹ hiền luôn mở rộng vòng tay, đón nhận, nuôi dạy  những mảnh đời không may mắn. Từ chỗ chỉ có vài ba em khiếm thị những ngày đầu thành lập (năm 1997), đến nay cơ sở đang nuôi dạy hơn 160 em khuyết tật. Đến với ngôi nhà chung này, các em được các nữ tu chăm lo ăn uống, học hành và hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp để có thể tự lập thân, lập nghiệp. Hiện cơ sở đang dạy các lớp may mặc, làm tranh gỗ mỹ nghệ (dành cho các em khiếm thính), hoặc đào tạo massage, bấm huyệt, xông hơi (dành cho các em khiếm thị). Đã có nhiều em sau khi được đào tạo tại đây đã trưởng thành, hòa nhập tốt với xã hội. Cơ sở này cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao, bởi đã góp phần tích cực cùng địa phương chăm lo cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Được biết, đã có rất nhiều tín hữu Công giáo đóng góp tiền của, giúp các nữ tu duy trì hoạt động của cơ sở.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Krông Pắc.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Krông Pắc.
 
“Từ thiện xã hội là một trong những hoạt động hiệu quả, nổi bật nhất của đồng bào Công giáo thời gian qua, thể hiện qua những đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Điều đó minh chứng đồng bào Công giáo luôn ý thức vai trò, trách nhiệm, sống theo tinh thần của thư chung Hội đồng Giáo mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào””.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh

Lặng lẽ góp phần chăm sóc trẻ em lang thang, không mái ấm gia đình, lớp tình thương Vinh Sơn cũng trở thành “đại gia đình” của 265 thành viên là trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi. Đến với lớp học tình thương, các em được quan tâm chăm sóc chu đáo từ việc ăn ở đến học hành, rèn luyện. Cũng như cơ sở Vi Nhân, lớp học tình thương Vinh Sơn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ vật chất, tinh thần của nhiều giáo dân, chủ yếu ở Giáo phận Buôn Ma Thuột, giúp các nữ tu có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ các cháu tốt hơn.

Với tinh thần bác ái, yêu thương, đồng bào Công giáo tại một số địa phương còn triển khai những mô hình thiện nguyện, nhiều ý nghĩa như “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện đa khoa Krông Pắc, “Bữa cơm hai ngàn đồng” của nhóm chị em thiện nguyện ở Giáo xứ Thánh Tâm (TP. Buôn Ma Thuột)…, góp phần giúp đỡ, động viên những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm liều thuốc tinh thần để họ vơi bớt nỗi đau bệnh tật.

Hoạt động nhân đạo, từ thiện của đồng bào Công giáo đã góp phần quan trọng cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, trong 5 năm qua (2013-2018), đồng bào Công giáo đã đóng góp hơn 13 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 255 nhà Tình thương; vận động trên 3 tỷ đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa,  vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng Giáng sinh tại hội dòng Nữ Vương Hòa Bình, hội dòng làm tốt công tác từ thiện xã hội.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng Giáng sinh tại hội dòng Nữ Vương Hòa Bình, hội dòng làm tốt công tác từ thiện xã hội.

Bên cạnh đó, bà con giáo dân, linh mục các xứ còn tặng hơn 300 con bò sinh sản, nhiều cây giống cho các hộ nghèo, giúp họ phát triển sản xuất chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Sự giúp đỡ, hỗ trợ ấy đã góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, thuận hòa, củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đăng Triều – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.