Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa từ mỗi phong trào thi đua

09:06, 11/06/2018

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước ta đang ở tình thế thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng lúc này là xây dựng và bảo vệ chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Cùng với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Chỉ thị của Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc, ngày 11 tháng 6 năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc Việt Nam. Chính lời kêu gọi ấy đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân chuyển thành sức mạnh hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và đoàn công tác của tỉnh thăm khu điều khiển vận hành phát điện tại Nhà máy thủy điện Hòa Phú
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và đoàn công tác của tỉnh thăm khu điều khiển vận hành phát điện tại Nhà máy thủy điện Hòa Phú. Ảnh: M. Thông

Theo Bác, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho tất cả mọi người già trẻ, gái trai, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng đến mục đích chung. Và mục đích thi đua yêu nước gắn liền với nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng, điều kiện lịch sử cụ thể. Chính vì thế 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng và nhân dân ta luôn quán triệt sâu rộng nâng cao nhận thức, đồng thời vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Người. Thực tế các phong trào do Đảng, Nhà nước khởi xướng phát động đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến cứu nước, chống kẻ thù xâm lược, cũng như những thành quả đạt được sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đặc biệt hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Đối với tỉnh ta, các phong trào thi đua được nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Có thể kể một số phong trào tiêu biểu như: “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thi đua xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng”... đều mang lại những kết quả nhất định.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đồng thời nhìn nhận lại hiệu ứng cũng như thành tích đạt được từ mỗi phong trào thi đua, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ rõ điểm yếu cần khắc phục. Từ đó, giúp cho công tác thi đua, khen thưởng đúng thực chất hơn, có tác dụng và ý nghĩa rõ rệt; từng phong trào thi đua đề ra bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách có nội dung tiêu chí cụ thể; kịp thời sơ kết, tổng kết nhân rộng điển hình trên mọi mặt, mọi lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất, học tập...  nhằm  tạo sức lan tỏa sâu rộng và làm mới phong trào thi đua ở mọi cấp, mọi ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

                                 Đắk Lắk

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.