Những bông hoa trong phong trào thi đua yêu nước
Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương cá nhân điển hình trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó trưởng Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh xã hội, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana và hiện là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/Đioxin kiêm Giám đốc Hợp tác xã nấm Linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana, nhưng dù ở cương vị nào bà Đinh Thị Danh (thị trấn Buôn Trấp) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng tạo trong công việc, góp phần vào sự phát triển của đơn vị.
Làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện trong bối cảnh công tác dạy nghề trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, bà Danh đã mạnh dạn đề nghị UBND huyện phê duyệt Đề án tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/NĐ-CP/2006 của Chính phủ, giúp Trung tâm linh hoạt, thuận lợi hơn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng và duy trì được hàng trăm mô hình hành nghề sau đào tạo, góp phần thiết thực vào việc thay đổi tư duy, nhận thức của thanh niên nông thôn về việc làm và học nghề. Nhờ vậy mà số thanh niên tham gia học nghề ngày càng tăng, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 68 - 85%.
Ngoài ra, bà Danh cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm dạy nghề cũng đã tiến hành chuyển giao công nghệ trồng và khai thác nấm cho nhiều lao động, cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh… theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2017, bà Danh đã đứng ra tập hợp những người trồng nấm để thành lập Hợp tác xã nấm Linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana, tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.
Bà Đinh Thị Danh (áo đen) giới thiệu sản phẩm nấm của Hợp tác xã nấm Linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018. |
Bà Danh cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhiều năm liền trên địa bàn huyện không có tình trạng trẻ em bị đuối nước, xâm hại tình dục; phối hợp với các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” nhằm động viên và giúp các nạn nhân giảm bớt khó khăn.
Ông Mông Văn Mậu ở thôn 1 (xã Ea Tir, huyện Ea H’leo) được xem là người tiên phong đem cây sả về trồng trên vùng đất sỏi đá này. Thấy việc trồng và chăm sóc cây sả khá đơn giản, không cần phải phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mà cây vẫn phát triển xanh tốt, ông Mậu đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng đậu, sắn của gia đình sang trồng sả. Hiện gia đình ông Mậu có 5 ha sả, cứ 45 ngày lại cho thu hoạch một lần. Cây sả sau khi thu hoạch được tách lấy tinh dầu, với giá bán từ 400.000 - 450.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 600-700 triệu đồng/năm.
Ông Mông Văn Mậu (bìa phải) được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 2018. |
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Mậu còn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ những hộ mới trồng về kỹ thuật canh tác cây sả để cùng nhau phát triển kinh tế. Năm 2016, ông Mậu đã đứng ra tập hợp những người trồng sả trên địa bàn để thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào rồi tiến tới thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào vào đầu năm 2018 với quy mô sản xuất 200 ha, giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tinh dầu sả được thuận lợi hơn. Nhờ vậy, mà nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá giả, có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhờ trồng sả.
Từ các phong trào thi đua như: “Sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cá nhân, tập thể điển hình góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. |
Anh Nguyễn Bá Đình cũng là một trong những gương nông dân điển hình về thoát nghèo, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Ea Ngai (huyện Krông Búk). Gia đình anh Đình vốn là hộ nghèo, thu nhập chính của cả nhà đều phụ thuộc vào 6 sào cà phê. Tuy nhiên vườn cà phê đã già cỗi, trong khi giá cả lại bấp bênh khiến gia đình anh Đình thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu.
Năm 2016, anh Đình quyết định chuyển đổi 1.000 m2 đất của gia đình sang trồng 150 trụ tiêu và vay Ngân hàng Chính sách huyện 30 triệu đồng để có vốn đầu tư. Anh Đình cũng tiến hành cải tạo lại vườn cà phê, đồng thời trồng xen một số loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ để có thêm nguồn thu. Với bản tính siêng năng cần cù, chịu khó cùng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo bên cạnh việc chăm sóc vườn cà phê, tiêu của gia đình, anh Đình còn tranh thủ đi làm thuê cho những ai có nhu cầu như cuốc cỏ, tưới nước, bỏ phân … để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Anh Nguyễn Bá Đình (thứ 2 từ phải sang) được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 2018. |
Vườn cà phê sau khi cải tạo, sản lượng đã đạt 2 - 3 tấn/năm, vườn tiêu đã ra bói giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, gia đình anh Đình đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang. Mặc dù, kinh tế gia đình chưa mấy khá giả nhưng anh Đình luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như mình để họ có thêm động lực, cố gắng hơn nữa trong lao động, sản xuất từ đó vươn lên thoát nghèo.
Đây chỉ là 3 trong số 26 cá nhân điển hình tiên tiến năm 2017 được UBND tỉnh vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 2018. Với họ, yêu nước chính là luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc