Multimedia Đọc Báo in

Để công tác cải cách hành chính đi vào thực chất hơn

07:47, 24/07/2018

Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC)  trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Sự chuyển biến này phần nào thể hiện quyết tâm cùng các giải pháp cụ thể được triển khai tương đối mạnh mẽ, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra công tác CCHC của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã tích cực, chủ động, kịp thời triển khai CCHC và đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng đã được ban hành như: Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND, ngày 16-1-2015 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước về thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 28-12-2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm quy định xin lỗi bằng văn bản khi giải quyết quá hạn thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 18-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Quyết định số 3507/QĐ-UBND, ngày 21-12-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Đắk Lắk năm 2018... Các văn bản này thể hiện rõ mục tiêu, quyết tâm và các giải pháp cụ thể, quyết liệt, đầy đủ, toàn diện, đã tạo “cú hích” và sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Đắk Liêng (huyện Lắk) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 32
Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Đắk Liêng (huyện Lắk) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Qua triển khai thực hiện, tổ chức bộ máy nhà nước được củng cố, kiện toàn, từng bước khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai đồng bộ, nghiêm túc ở cả 3 cấp chính quyền. Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông được triển khai, nâng cao chất lượng về hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước các cấp. Chủ đề CCHC hằng năm được xác định rõ ràng nhằm định hướng cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hoạt động. Các TTHC từng bước được rà soát theo hướng tinh gọn, giảm thời gian giải quyết, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời định kỳ hằng tuần UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc... Theo công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC năm 2017 của tỉnh Đắk Lắk đạt 75,37% (tăng 1,95 điểm so với năm 2016), xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 1/5 so với các tỉnh Tây Nguyên.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng trên thực tế công tác CCHC của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa đạt được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp cũng như đánh giá của các chuyên gia. Tuy chỉ số CCHC của tỉnh năm 2017 tăng 1,95 điểm nhưng lại giảm 17 bậc về thứ hạng so với năm 2016.

Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Mạnh Hùng cho rằng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó đặc biệt phải kể đến là người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Kế hoạch CCHC, chưa chủ động tìm kiếm và thực hiện sáng kiến CCHC cũng như mạnh dạn tham mưu phê bình, đề xuất hình thức kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm, làm sai quy định, dẫn đến kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước còn thấp.

Kiểm tra công tác CCHC tại xã Cư Ni (huyện Ea Kar).
Kiểm tra công tác CCHC tại xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh Nguyễn Hải Ninh đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn chưa đi vào thực chất, người dân và doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với kết quả điều hành của chính quyền, các sở, ngành địa phương. Việc thực hiện so với chỉ đạo vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn.  Cá biệt ở một vài đơn vị, địa phương chưa thấy rõ trách nhiệm của người đứng đầu; vẫn tồn tại một bộ phận công chức, viên chức hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ CCHC còn chưa thật sự chặt chẽ và đồng bộ...

Để công tác CCHC của tỉnh trong thời gian tới đi vào thực chất, đạt hiệu quả hơn nữa, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh đề ra. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tích cực sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp...  Với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện cùng quyết tâm cao và sự chỉ đạo sát sao, hy vọng rằng công tác CCHC của tỉnh sẽ đi vào thực chất, mang lại hiệu quả và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp từ tiến trình CCHC của cơ quan công quyền...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.