Multimedia Đọc Báo in

Ea Ô vẹn tình với người có công

08:56, 23/07/2018

Sau một thời gian thi công, tháng 3-2018 vừa qua, công trình Nhà bia ghi danh 33 Anh hùng liệt sỹ xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã được đưa vào sử dụng. Công trình gồm nhà bia ghi danh, hệ thống tường rào, sân bê tông với tổng diện tích trên 1.000 m2.

Để hoàn thành công trình này, ngoài nguồn kinh phí 900 triệu đồng được phân bổ từ Trung ương, UBND xã đã đối ứng thêm 300 triệu đồng từ ngân sách xã và huy động cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn đóng góp.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Ea Ô thường xuyên tổ chức lau dọn Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sỹ.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Ea Ô thường xuyên tổ chức lau dọn Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sỹ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô Vũ Thị Sen, đây là công trình đặc biệt quan trọng bởi không chỉ thể hiện lòng biết ơn, tri ân của thế hệ hôm nay đối với các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho đoàn viên thanh niên và người dân...

 

“Xã Ea Ô hiện đang quản lý 246 đối tượng chính sách có công, trong đó có 32 thương binh, 14 bệnh binh, 11 gia đình liệt sỹ, 17 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng khác. Hầu hết các gia đình, đối tượng chính sách, có công trên địa bàn xã Ea Ô đều có mức sống từ trung bình trở lên”. 

 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô Vũ Thị Sen

Không chỉ tưởng nhớ, ghi ơn các Anh hùng liệt sỹ, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Ea Ô còn dành sự quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách có công, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Đơn cử như gia đình ông Ngô Văn Hoạt ở thôn 6B, đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Hoạt nhập ngũ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đến cuối năm 1974 xuất ngũ.  Năm 1998, ông chuyển vào xã Ea Ô sinh sống. Hai vợ chồng ông đều đã tuổi cao sức yếu, quanh năm lam lũ với mảnh vườn nhỏ cũng chỉ đủ ăn qua ngày trong căn nhà cũ đã xuống cấp, mục nát... Chia sẻ khó khăn đó, năm 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện và xã Ea Ô đã hỗ trợ gia đình ông 25 triệu đồng và được tạo điều kiện vay thêm 32 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà. Ông Hoạt không giấu được niềm vui: “Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thì chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang, mát mẻ như thế này”.

Để thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, xã đã xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chăm lo đối với người có công. Các quy định liên quan đến việc thực hiện công tác thương binh liệt sỹ đều được xã thông báo công khai, bảo đảm tính dân chủ, việc phối hợp giải quyết các chế độ chính sách bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định. Từ năm 2012 đến nay, UBND xã đã phối hợp với xã đội, hội cựu chiến binh đề nghị cấp trên giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 144 trường hợp với tổng số tiền trên 658 triệu đồng; làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí cho 25 trường hợp. Ngoài ra, người có công ở xã Ea Ô còn được ưu tiên miễn các khoản đóng góp, được quan tâm chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc tại trạm y tế xã hoặc tại gia đình. Những trường hợp khó khăn được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Con em các gia đình chính sách được khuyến khích, giúp đỡ, động viên khen thưởng trong học tập, miễn giảm các khoản đóng góp.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Ea Ô dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia ghi danh các Anh hùng liệt sỹ.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Ea Ô dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia ghi danh các Anh hùng liệt sỹ.

Để có nguồn quỹ thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, bên cạnh tuyên truyền, vận động, hằng năm UBND xã đều giao kế hoạch huy động quỹ cho 21 thôn. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, xã Ea Ô đã huy động được gần 260 triệu đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Từ nguồn quỹ này và nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ, xã đã hỗ trợ cho 39 gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở;  thăm hỏi, tặng trên 1.100 suất quà cho các gia đình chính sách có công…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.