Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phong trào thi đua dân vận khéo ở Cư Suê

08:44, 10/07/2018

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

Là địa phương có diện tích lúa, cà phê lớn nhưng năng suất không cao, Đảng ủy xã đã chỉ đạo rà soát, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã theo dõi, giám sát để chỉ đạo cấp ủy các thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách chuyển diện tích lúa một vụ sang trồng khoai lang, rau màu, tái canh cà phê, trồng mới giống cà phê cao sản Robusta, Catimo, Tr4… nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi gà gia công, phát triển cây ăn trái…

Chỉ tính riêng trong năm 2017, người dân đã đóng góp gần 900 triệu đồng, hiến 8.257 m2 đất, 350 ngày công… để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng.

Bên cạnh đó, hướng đi mới mà Đảng ủy, chính quyền xã hướng đến là phát triển mô hình sầu riêng Dona và Ri6. Ban đầu chỉ một vài hộ dân tiên phong trồng thử nghiệm, đến nay xã Cư Suê đã có khoảng 20 ha sầu riêng giống mới cho năng suất cao, điển hình như gia đình ông Lý Tuệ Ngọc, ở thôn 3; ông Lý A Hải, Hoàn Quân ở thôn Ea Mô, cho thu thập từ 500 – 900 triệu mỗi năm từ sầu riêng. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 5,6%.

Người dân  xã Cư Suê tích cực đóng góp làm đường  giao thông  nông thôn.
Người dân xã Cư Suê tích cực đóng góp làm đường giao thông nông thôn.

Ông Y Ngái Niê ở buôn Sút M’drang cho biết, khi chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động gia đình ông tiến hành tái canh diện tích 1 ha cà phê. Nhờ đó, trung bình mỗi năm ông thu được 1,8 tấn, so với giống cà phê truyền thống lâu nay thì giống mới cho trái to và năng suất cao hơn hẳn.

Cùng với việc triển khai các mô hình kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã Cư Suê còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Về xã Cư Suê những ngày này, ai cũng có thể cảm nhận được tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng NTM của chính quyền và nhân dân địa phương. Cuộc sống no đủ của người dân đang dần hiện hữu với những ngôi nhà khang trang, bề thế mọc lên hai bên đường, những con đường đất đỏ lầy lội giờ đã được bê tông hóa phẳng phiu đến từng ngõ xóm… Đến nay, xã Cư Suê đã đạt 16/19 tiêu chí NTM và đang phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2018.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà người dân xã Cư Suê đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà người dân xã Cư Suê đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

Ông Y Nghi Êban, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, muốn làm tốt công tác dân vận phải tạo được sự đồng thuận giữa người dân với cấp ủy, chính quyền. Do đó, mọi chủ trương của xã đều phải được nhân dân bàn bạc, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến, từ đó chia sẻ, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân. Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác thực hiện xây dựng mô hình dân vận khéo để động viên, khuyến khích người dân...

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.