Multimedia Đọc Báo in

Học và làm theo gương Bác

07:41, 24/07/2018

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Buôn Ma Thuột đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên…

Thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Chấp hành Hội LHPN thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai tới 100% các cấp hội cơ sở. Theo đó, việc học tập và làm theo Bác phải gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…, kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ đó nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã có ý thức hơn trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hành tiết kiệm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng giúp nhau khi gặp khó khăn.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Bông, xã Ea Kao tạo việc làm thường xuyên  cho nhiều lao động địa phương.
Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Bông, xã Ea Kao tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phường Khánh Xuân cho biết, Hội LHPN phường đang triển khai trên 20 mô hình học tập và làm theo Bác. Trong đó, hiệu quả nhất là các mô hình xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo” hiện có tổng số tiền trên 10,7 triệu đồng, cho 12 chị vay; “Nuôi heo đất tiết kiệm” với 38 triệu đồng cho 10 chị vay; “Chung tay tiết kiệm mua bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo” hiện có 19 triệu đồng. Ngoài ra, các chi hội thôn, buôn, tổ dân phố cũng đã huy động được nguồn vốn trên 1 tỷ đồng; quỹ hội viên gửi tiết kiệm ngân hàng tổng cộng 3,499 tỷ đồng để giúp đỡ 255 hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, trên địa bàn phường còn duy trì các câu lạc bộ: Phụ nữ với kiến thức pháp luật ở chi hội tổ dân phố 7; Phát triển kinh tế gia đình về nuôi ong, trồng nấm ở chi hội tổ dân phố 5; Không sinh con thứ 3 của chi hội tổ dân phố 10…

Bà Nguyễn Thị Điu (53 tuổi), hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân tâm sự: “Chồng tôi mất sớm, gia đình không có đất sản xuất nên quanh năm tôi phải đi làm thuê kiếm sống, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, gia đình được Hội LHPN phường hỗ trợ 1 con bò giống từ quỹ “Chung tay tiết kiệm mua bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo”, tôi mừng lắm. Tình cảm san sẻ của chị em phụ nữ đã giúp mẹ con tôi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Chị H’Blo H’môk hội viên chi hội phụ nữ buôn H’Đớk thoát nghèo nhờ vốn vay quỹ Hội LHPN xã Ea Kao nuôi bò sinh sản.
Chị H’Blo H’môk hội viên chi hội phụ nữ buôn H’Đớk thoát nghèo nhờ vốn vay quỹ Hội LHPN xã Ea Kao nuôi bò sinh sản.

Nổi bật trong học tập và làm theo Bác ở Hội LHPN các xã Ea Kao, Hòa Xuân, Hòa Khánh, Hòa Thắng, Cư Êbur… là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Theo đánh giá của bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột, nhờ triển khai thực hiện tốt các phong trào, hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như chăn nuôi gà, heo, mô hình trang trại, trồng xen sầu riêng, bơ, tiêu trong rẫy cà phê; sản xuất rau sạch trong nhà lưới… Trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Điển hình có chị Đoàn Uyên Thao, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Quyến (hội viên chi hội phụ nữ thôn 2, xã Cư Êbur) kinh doanh phân bón và thu mua nông sản; H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (hội viên chi hội buôn Bông, xã Ea Kao) …

“Phát huy vai trò của tổ chức Hội, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đưa các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; mở các lớp đào tạo nghề nông thôn; giới thiệu, giải quyết việc làm… để chị em hội viên có thêm nhiều cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống.”, bà Lê Thị Thanh chia sẻ thêm.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.