Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực trong công tác phát triển Đảng ở Krông Ana

08:43, 10/07/2018

Đảng bộ huyện Krông Ana hiện có 36 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 12 đảng bộ và 24 chi bộ cơ sở với 177 chi bộ trực thuộc. Nhờ đẩy mạnh chăm lo công tác phát triển đảng viên, đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có chi bộ và hầu hết thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên là người tại chỗ.

Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm, nhiều cấp ủy đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chủ động tạo nguồn, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên. Đồng chí Nguyễn Mạnh Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Buôn Trấp chia sẻ: Nguồn phát triển đảng viên của thị trấn hiện rất khó khăn. Chính vì vậy, để tập hợp, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, Đảng ủy thị trấn đã chỉ đạo các đoàn thể và khối Mặt trận tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời phân công các đồng chí đảng viên có uy tín kèm cặp, giúp họ có động lực phấn đấu.

Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana tặng quà từ thiện cho người nghèo trong chương trình Tình nguyện mùa đông.
Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana tặng quà từ thiện cho người nghèo trong chương trình Tình nguyện mùa đông.

Đặc biệt, Đảng ủy thị trấn luôn quan tâm việc tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên bằng cách chỉ đạo phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, điển hình như mô hình trồng nấm, trồng rau sạch… để giúp họ yên tâm phát triển kinh tế, gắn bó với địa phương. Từ đó phát hiện những nhân tố tích cực, quần chúng ưu tú để bồi dưỡng phát triển Đảng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Đảng bộ thị trấn đã kết nạp được 16 đảng viên mới, đạt 51,6% chỉ tiêu được giao.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Ana, từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 865 đảng viên. Việc kết nạp đảng viên hằng năm đều đạt 100% kế hoạch được giao.

Tương tự, để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng Đảng hằng năm, Đảng ủy xã Bình Hòa cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức chính trị; đẩy mạnh các phong trào thi đua và vận động lực lượng thanh niên tích cực tham gia để có cơ hội thể hiện mình, qua đó tuyên dương, nhân rộng các điển hình, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Lê Thanh Nghị, đối tượng ưu tiên bồi dưỡng kết nạp Đảng trước hết là những người hoạt động tích cực trong các chi hội đoàn thể, nhất là những đoàn viên có nhiều hoạt động tích cực tại địa phương. Nhờ quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy xã Bình Hòa luôn chủ động trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Từ đầu năm đến nay, Đảng ủy xã đã kết nạp được 3 đảng viên mới và đang làm hồ sơ đề nghị kết nạp thêm 3 quần chúng ưu tú vào Đảng.

Tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề được các cấp ủy, chi bộ ở thị trấn Buôn Trấp chú trọng (Trong ảnh: Mô hình trồng nấm ở buôn Chăm, thị trấn Buôn Trấp). Ảnh: K.Lê
Tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề được các cấp ủy, chi bộ ở thị trấn Buôn Trấp chú trọng (Trong ảnh: Mô hình trồng nấm ở buôn Chăm, thị trấn Buôn Trấp). 

Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Gia Dinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Ana, thực tế công tác phát triển Đảng trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Năm 2018, huyện Krông Ana được giao phát triển 165 đảng viên mới, nhưng đến nay mới kết nạp được 48 đồng chí. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa chú trọng đến chất lượng nguồn, một số địa phương thiếu nguồn phát triển Đảng. Nhiều thanh niên ở các thôn, buôn, tổ dân phố nhận thức, trách nhiệm không cao, không có động cơ, chí hướng phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, một số đảng viên chưa thực sự gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu cũng đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng phấn đấu của lớp trẻ.

Đồng chí Bùi Gia Dinh cho biết, để khắc phục những khó khăn đó, thời gian tới, Huyện ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy, địa phương phân công nhiệm vụ cho đảng viên kèm cặp, phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên. Cùng với đó, Huyện ủy cũng sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả để tạo công ăn việc làm ổn định cho thanh niên nông thôn, giúp họ ổn định cuộc sống, bồi dưỡng niềm tin cho thế hệ trẻ đối với vai trò và sự lãnh đạo của Đảng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.