Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Cư M'gar làm theo lời Bác

07:55, 24/07/2018

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar hiện có 18 cơ sở hội, 190 chi hội, với 26.543 hội viên.

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho hay, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016-2018), Hội LHPN huyện đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ Hội, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể để tập trung vận động chị em hội viên tham gia học tập và làm theo lời Bác.

Để việc học tập có hiệu quả, Hội đã gắn cuộc vận động với các chương trình cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm như xây dựng chương trình “5 không 3 sạch”, thực hiện các phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “nuôi heo đất tiết kiệm”... được đông đảo cán bộ, hội viên đồng tình ủng hộ. Nhằm tạo sức lan tỏa cho chương trình, hằng năm mỗi cơ sở Hội trên địa bàn chọn ít nhất 1 mô hình “làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” để nhân ra các chi hội.

Chị H'Yuôr Kđoh (ngoài cùng bên trái) và các hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Chị H'Yuôr Kđoh (ngoài cùng bên trái) và các hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Học Bác ở tấm lòng tương thân tương ái, Hội LHPN huyện Cư M’gar còn xây dựng 32 mô hình “mỗi cơ sở Hội là một địa chỉ nhân đạo”, vận động quyên góp 100 nghìn đồng hoặc 10 kg gạo mỗi tháng, đến nay đã vận động trên 100 triệu đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Hội cũng đã vận động xây dựng được 190 mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, 197 mô hình “nuôi heo đất”... với số tiền gần 250 triệu và trên 3.500 kg gạo hỗ trợ 174 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em tàn tật trên địa bàn.

Các cấp hội còn chú trọng vận động, khuyến khích chị em thực hành làm theo lời Bác thông qua hình thức tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Từ đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình làm theo lời Bác, gương phụ nữ làm giàu. Có thể kể đến như Chi hội phụ nữ tổ dân phố 3, thị trấn Quảng Phú đã xây dựng 7 tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm với số tiền 70 triệu đồng, cho 7 lượt phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế; Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông hoạt động khá hiệu quả với mô hình “phụ nữ giúp nhau kinh tế hiệu quả”... Chị H’ Yuôr Kđoh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông cho biết, từ năm 2016, hội đã phát động phong trào tổ nhóm tiết kiệm giúp nhau, xây dựng quỹ  “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” nhằm giúp hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, đã huy động trên 1,2 tỷ đồng giúp 140 lượt hội viên khó khăn vay.

Phụ nữ xã Quảng Hiệp đập heo đất tiết kiệm giúp đỡ hộ khó khăn trên địa bàn.
Phụ nữ xã Quảng Hiệp đập heo đất tiết kiệm giúp đỡ hộ khó khăn trên địa bàn.

Chị Dương Thị Dần, hội viên phụ nữ thôn 3, xã Ea Kpam quyết tâm và chăm chỉ làm ăn, đồng thời học hỏi, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ một phụ nữ nghèo, lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng,  nhờ số tiền 12 triệu đồng vay được từ mô hình “góp vốn quay vòng” của Chi hội phụ nữ thôn và 20 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã đầu tư trồng 200 cây sầu riêng da xanh. Đất không phụ công người, với giá bán ra nằm ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, gia đình chị thu về trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Từ thành công này, chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho chị em trong hội. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ vốn bằng cách cho vay không lấy lãi để hội viên khó khăn hơn có điều kiện làm ăn, chăm sóc cây trồng. Kinh tế ổn định, gia đình chị còn tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2017, chị tự nguyện đóng góp 50 triệu đồng làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con trên địa bàn.

Có thể nói, việc học tập và làm theo lời Bác ở huyện Cư M’gar thời gian qua đã có sức lan tỏa trong hội viên. Thông qua các mô hình, việc làm thiết thực đã nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, giúp chị em tin tưởng, gắn bó với tổ chức, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, 17 cơ sở Hội trên địa bàn đã xây dựng được các hình thức tiết kiệm như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững’, “tổ nhóm tiết kiệm”, “tổ phụ nữ liên kết làm kinh tế”, “góp vốn quay vòng”... với tổng số vốn huy động trên 20 tỷ đồng, giải quyết cho 1.649 hội viên nghèo và cận nghèo vay vốn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.