Tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động về công tác người có công
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ nhằm bù đắp phần nào những hy sinh mất mát của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng.
Thực hiện chính sách này, tỉnh Đắk Lắk đã và đang chăm lo cho hơn 49 nghìn người có công là Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… và hàng nghìn người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến, Bằng khen kháng chiến và các danh hiệu cao quý khác.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng tặng quà cho 5 hộ chính sách xã Ea M'đroh (huyện Cư M’gar). Ảnh: N.Gia |
Căn cứ vào các quy định của Nhà nước về chế độ chính sách người có công, hằng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn. Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh khó khăn nhưng công tác người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng. Trong 10 năm qua (2008 - 2017), tỉnh đã tiếp nhận 20.395 hồ sơ đối tượng chính sách các loại, qua kiểm tra, thẩm định và đối chiếu với các văn bản quy định đã giải quyết chế độ đối với 18.462 hồ sơ đủ điều kiện. Toàn tỉnh huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 78 tỷ đồng, từ nguồn quỹ huy động này đã hỗ trợ xây mới 1.936 căn nhà Tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách có công khó khăn về nhà ở; nâng cấp, sửa chữa 1.392 căn nhà Tình nghĩa của đối tượng chính sách bị hư hỏng, xuống cấp; tặng 3.339 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách. Tổ chức khảo sát, quy tập 449 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Campuchia và các chiến trường Tây Nguyên đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn của tỉnh. Đã tổ chức tiếp đón hàng nghìn lượt thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng, cất bốc hài cốt liệt sỹ an táng tại các Nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh chu đáo, trang nghiêm. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc. 100% người có công được hưởng ưu đãi về khám chữa bệnh, cấp phát dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe... Ngoài ra, chính quyền các cấp thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm bảo đảm người có công được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống về vật chất và tinh thần. Từ đó tạo động lực để người có công vượt qua đau thương mất mát, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc. Những kết quả đó đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Sở LĐ-TBXH đang quản lý gần 62 nghìn hồ sơ đối tượng, gồm: hơn 49 nghìn hồ sơ người có công, thân nhân người có công và hơn 12 nghìn hồ sơ đối tượng liên quan khác (không phải người có công nhưng được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, như: thanh niên xung phong, hưởng chế độ theo các Quyết định 290; 142; 53; 62; 49,24/2016/QĐ-TTg...). Trong đó, có gần 13 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với số tiền chi trả hơn 20 tỷ đồng/tháng; số còn lại hưởng quyền lợi chính trị và các chế độ liên quan khác. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, toàn tỉnh vẫn còn 520 gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo (chiếm 1%); một số trường hợp người dân tham gia hoạt động trong các cuộc kháng chiến bị thương, hy sinh, có công với cách mạng... nhưng do không còn giấy tờ gốc nên vẫn chưa được hưởng các chế độ chính sách người có công. Vẫn còn tình trạng làm giả hồ sơ để hưởng chính sách người có công gây bức xúc trong nhân dân. Một số chế độ, mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công, thân nhân người có công chưa phù hợp với điều kiện sống hiện nay. Do đó, tỉnh đã đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2013/NĐ-CP, ngày 9-4-2013 đối với các chế độ chính sách của người có công, thân nhân người có công cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, như: điều chỉnh mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng; chế độ ưu đãi giáo dục, mai táng phí, bảo hiểm y tế... đối với thân nhân người có công. Trong chiến tranh, Đắk Lắk là một trong những địa bàn có nhiều liệt sỹ, hiện nay nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, rất mong các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng Đền thờ Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh (hiện nay tỉnh chưa có đền thờ các liệt sỹ). Đồng thời cần có cơ chế đặc thù để vận dụng giải quyết chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động kháng chiến bị thương, hy sinh, có công giúp đỡ cách mạng... không còn giấy tờ gốc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng thăm hỏi, tặng quà gia đình Thiếu tướng Y Blốk Ê Ban. Ảnh: N. Gia |
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết chế độ chính sách người có công, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác người có công. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện giải quyết các chính sách. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để góp phần cải thiện đời sống cho người có công và gia đình chính sách; kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ nhằm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ theo quy định, ngăn chặn hành vi gian lận làm giả hồ sơ hưởng chế độ chính sách. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi những văn bản, chế độ chưa hợp lý, còn chồng chéo, thiếu rõ ràng để thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện công tác chính sách người có công.
Trần Phú Hùng
(Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội)
Ý kiến bạn đọc