Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường

08:53, 17/07/2018

• Cử tri trên địa bàn tỉnh tiếp tục phản ánh về thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn quá cồng kềnh, qua nhiều tầng nấc làm khó cho người dân, dẫn đến nảy sinh tiêu cực, dễ trục lợi. Cử tri mong muốn Nhà nước có quy định về quy chế phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục liên quan đến đất đai.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai để cụ thể hóa thời gian xử lý công việc của từng cơ quan; quy định cụ thể trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố trong việc xác nhận, xác định, thẩm định, kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện đúng thời gian quy định, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân và các thủ tục liên quan đến đất đai.

Cán bộ Bộ phận một cửa Văn phòng HĐND & UBND huyện Krông Năng hướng dẫn người dân tra cứu thông tin giải quyết  thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  (Ảnh minh họa)
Cán bộ Bộ phận một cửa Văn phòng HĐND & UBND huyện Krông Năng hướng dẫn người dân tra cứu thông tin giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

• Cử tri thị xã Buôn Hồ phản ánh về đường tránh phía Tây trước đây dân thỏa thuận hiến đất 12 m, nhưng khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại trừ đi 18 m. Đề nghị cấp trên giải thích và làm rõ.

Năm 2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Krông Búk (nay là thị xã Buôn Hồ) về việc đầu tư xây dựng đường tránh phía Tây thị trấn Buôn Hồ (đường Nguyễn Tất Thành) theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 7-9-2005 của UBND tỉnh, UBND thị trấn Buôn Hồ đã vận động các hộ gia đình đang sử dụng đất trên tuyến đường tránh phía Tây thị trấn Buôn Hồ (đường khu vực) hiến đất để xây dựng đường giao thông, phạm vi hiến đất để làm đường rộng 12 m. Tại Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 7-9-2005 của UBND tỉnh, đường tránh phía Tây thị trấn Buôn Hồ (đường khu vực) rộng 18 m. Do đó, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đã trừ quy hoạch đường giao thông theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND để thuận tiện cho công tác chỉnh lý thu hồi đất trên Giấy chứng nhận sau này, phần diện tích trừ giao thông, các hộ gia đình vẫn sử dụng và được bồi thường hỗ trợ khi thực hiện dự án xây dựng đường Nguyễn Tất Thành đúng quy định pháp luật và quy hoạch 18 m.

• Cử tri huyện Lắk đề nghị các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý các trường hợp đánh bắt cá bằng các công cụ mang tính hủy diệt và tình trạng khai thác cát trên sông tại xã Nam Ka gây sạt lở hai bên bờ sông làm thiệt hại đến đất sản xuất của nhân dân.

Trong thời gian qua, để quản lý về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 21-1-2011 về việc quy định một số khu vực, hình thức, ngư cụ, đối tượng cấm khai thác và kích thước tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác trong vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm ổn định phát triển bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững; Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 1-4-2014 về việc nghiêm cấm hành vi hủy diệt trong khai thác thủy sản ở các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh, Công văn số 1648/UBND-TNMT ngày 5-3-2018 về việc thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức người dân tái tạo phát triển nguồn lợi thủy sản, thường xuyên tuyên truyền pháp luật về thủy sản, triển khai các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy định về lĩnh vực thủy sản tại các huyện, thị xã, thành phố; xây dựng các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản; thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản; tổ chức các cuôc thanh tra, tuần tra xử lý vi phạm về khai thác thủy sản... Thời gian qua, đã xử lý, tịch thu và tiêu hủy nhiều ngư cụ cấm khai thác thủy sản; trong đó trên địa bàn huyện Lắk đã tuần tra bắt, xử lý tịch thu hơn 1.000 ngư cụ và tiêu hủy theo quy định; xử lý vi phạm hành chính 2 vụ sử dụng kích điện trái phép thu nộp ngân sách nhà nước với số tiền 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thanh, kiểm tra, tuần tra chỉ phát hiện được tang vật vi phạm tại hiện trường sông, hồ, còn đối tượng vi phạm không xác định được do không có mặt tại hiện trường.

 Về khai thác cát trên sông tại xã Nam Ka: Ngày 7-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4447/UBND-TNMT về việc cấm khai thác cát, sỏi lòng sông trên các đoạn sông sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao thuộc địa bàn các huyện Krông Bông, Cư Kuin, Lắk và Krông Ana; trong đó trên địa bàn huyện Lắk có các điểm sạt lở tại xã Yang Tao, xã Đắk Liêng. Khu vực này, UBND huyện đã chỉ đạo cắm 6 biển cấm khai thác cát tại các điểm đầu và điểm cuối của từng điểm (khu vực) cấm khai thác. Ngày 30-8-2017, UBND huyện ban hành Công văn số 2017/UBND-TNMT với nội dung đề xuất thêm các vị trí sạt lở vào khu vực cấm khai thác cát lòng sông trên địa bàn huyện Lắk. Hiện nay, UBND tỉnh đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về Đề án khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được phê duyệt sẽ tổ chức cắm biển báo cấm theo quy định. Bên cạnh đó, UBND huyện Lắk đã làm việc với các đơn vị được cấp Giấy phép khai thác cát trên sông Krông Nô (Công ty TNHH Phú Bình, Công ty TNHH Xuân Bình) để quán triệt một số nội dung liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, yêu cầu hai đơn vị phải chấp hành nghiêm việc khai thác cát theo Giấy phép đã được cấp, Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan. Để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, đề nghị UBND xã Nam Ka có trách nhiệm bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát của đơn vị đã được cấp phép khai thác trên địa bàn để đảm bảo tuân thủ các quy định về thời gian, địa điểm, đánh số thứ tự, gắn bảng hiệu, bảng tên lên tàu thuyền khai thác cát…

                                    (Còn nữa)

                                    Tòa soạn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.