Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề thủy lợi

08:47, 18/07/2018

°Trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, thường xuyên xảy ra hạn hán gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán, tuy nhiên chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả trước mắt, về lâu dài đề nghị quan tâm bố trí kinh phí xây dựng các đập thủy lợi để phục vụ cấp nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt của nhân dân.

Hiện nay, nhu cầu nguồn nước sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần 1,8 tỷ m3 nước để tưới cho diện tích đất canh tác vào mùa khô. Tổng diện tích cây trồng được tưới ổn định hơn 247.055 ha, bao gồm tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi và giải pháp khai thác khác, đạt 77,2 % diện tích cây trồng chính có nhu cầu nước tưới. Tuy nhiên, những năm hạn khốc liệt (2016) đã ảnh hưởng đến diện tích được tưới do nhiều hồ bị cạn nước (200 hồ), suối không còn dòng chảy. Mặt khác nhiều công trình xây dựng đã lâu nên xuống cấp, nhu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn vốn cho phát triển thủy lợi không đáp ứng kịp, vì vậy công trình thủy lợi chưa  đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp nước tưới là khó tránh khỏi, nhất là về mùa khô. Vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do thực tế giá đền bù cao, nhiều công trình triển khai chậm hoặc phải dừng không triển khai được.

Hiện tỉnh đang triển khai rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, nhằm nghiên cứu, đề xuất phương án tạo nguồn cấp nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, quan tâm các vị trí có thể tạo hồ chứa làm kho nước để điều tiết đến các vùng khan hiếm nước vào mùa khô.

Một số công trình đã được Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đầu tư, cụ thể như sau: Công trình thủy lợi Ea Súp Thượng: Năng lực thiết kế 9.550 ha cây trồng các loại, công trình đã hoàn thiện hạng mục công trình đầu mối và tưới được 5.165 ha, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh mương và khai hoang đồng ruộng để phục vụ diện tích tưới của công trình theo thiết kế được duyệt. Công trình thủy lợi Krông Búk Hạ: Năng lực thiết kế 11.400 ha cây trồng các loại, công trình đã hoàn thiện hạng mục công trình đầu mối và tưới được 7.987 ha thì tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh mương và khai hoang đồng ruộng để phục vụ diện tích tưới của công trình theo thiết kế được duyệt. Sở NN&PTNT đang triển khai đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để bảo đảm an toàn công trình và phát huy năng lực tưới công trình.

Tràn xả lũ hồ Krông Búk Hạ.   Ảnh: T. Nguyễn
Tràn xả lũ hồ Krông Búk Hạ. Ảnh: T. Nguyễn

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ NT&PTNT:  Đẩy nhanh tiến độ thi công hồ Krông Pách Thượng để phục vụ tưới cho 14.900 ha cây trồng; Sớm triển khai đầu tư dự án hồ chứa nước Ea H’leo 1: Được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3902/QĐ/BNN-XD ngày 29-9-2017. Cụ thể công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 5.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt 10.000 người dân trong vùng dự án, công nghiệp với lượng nước 15.000 m3/ngày đêm, chăn nuôi với lượng nước 1.000.000 m3/năm;  Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr: Được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư - thiết kế cơ sở tại Quyết định số 2954/QĐ/BNN-XD ngày 27-10-2005, phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư tại Quyết định số 4387/QĐ-BNN-XD ngày 30-10-2015, công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 12.500 ha cây trồng; cấp nước sinh hoạt 50.000 người; kết hợp giảm lũ cho hạ lưu, phát điện, giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản và du lịch tại địa bàn hai tỉnh: Gia Lai và Đắk Lắk. Trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk công trình có nhiệm vụ tưới cho 4.200 ha cây trồng dự kiến đầu tư giai đoạn 2017-2020, hệ thống kênh nhánh sẽ triển khai giai đoạn sau 2020; Tăng cường huy động nguồn lực để đầu tư phát triển thủy lợi giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

°Một số cử tri đề nghị xem xét, rà soát, có biện pháp để tránh tình trạng sạt lở đất tại khu vực khai thác cát cầu Yang Sơn (huyện Krông Bông).

Để thực hiện việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các đơn vị được cấp phép. UBND huyện Krông Bông cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác cát gây sạt lở đất.

Trước đây, trên lòng sông Krông Ana về phía hạ lưu cầu Giang Sơn, xã Yang Reh được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát cho HTX Giang Sơn thuộc xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin). Đơn vị này cùng khai thác cát với HTX Nam Sơn và tập kết cát tại khu vực gần chân cầu Giang Sơn về phía hạ lưu (cách khoảng 100 m). Trong quá trình hoạt động, do có những sai phạm nên UBND tỉnh đã thu hồi giấy phép khai thác cát theo Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 18-10-2017 đối với HTX Giang Sơn.

Về bãi tập kết cát tại khu vực thôn 4 (xã Yang Reh) đoạn gần chân cầu Giang Sơn đã được HTX Nam Sơn di dời và giải tỏa theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức đóng đường nhánh đấu nối tại Km24+50 Quốc lộ 27.

Về khu vực khai thác của HTX Nam Sơn theo Giấy phép của UBND tỉnh cách vị trí chân cầu Giang Sơn, xã Yang Reh khoảng 1,5 km về phía thượng lưu, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc và thống nhất vị trí đề nghị điều chỉnh quy hoạch bãi tập kết cát cách chân cầu Giang Sơn 1km về phía thượng lưu. Về hoạt động kiểm tra, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép không đúng Giấy phép gây sạt lở bờ sông, đất sản xuất nông nghiệp của người dân, hiện nay, UBND huyện Krông Bông đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác cát. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát.

  Tòa soạn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.