Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong phát triển đảng viên là người Mông ở Cư Pui

08:51, 10/08/2018

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có 6 thôn đồng bào Mông di cư với 1.304 hộ, 8.587 khẩu. Trong những năm qua, Đảng ủy Cư Pui rất quan tâm đến công tác kết nạp phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông; đến nay Đảng bộ xã đã kết nạp được 12 đảng viên là người Mông và thành lập chi bộ ở cả 6 thôn đồng bào Mông. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc phát triển đảng viên ở các chi bộ này gặp rất nhiều khó khăn.

Thôn Ea Bar có 258 hộ, trong đó 236 hộ, 1.601 khẩu là người dân tộc Mông. Hiện tại thôn Ea Bar đã thành lập được Chi bộ với 4 đảng viên; trong đó 1 đồng chí chuyển từ nơi khác về và bí thư chi bộ là đảng viên được Đảng ủy xã Cư Pui tăng cường. Đến nay Chi bộ thôn vẫn chưa kết nạp được đảng viên nào là người Mông. Nguyên nhân khiến trong suốt 22 năm qua Chi bộ thôn Ea Bar không kết nạp được đảng viên người Mông nào là do khó khăn trong việc thẩm tra lý lịch ở các tỉnh phía Bắc; một số trường hợp vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, một số đối tượng lại nằm trong Ban chấp sự của điểm nhóm đạo Tin Lành… Đồng chí Thào Văn Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Ea Bar cho biết: “Đảng ủy xã Cư Pui đã gửi mấy hồ sơ ra các tỉnh phía Bắc để thẩm tra nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời. Một số hồ sơ hiện đã thẩm tra xong nhưng đối tượng lại vướng sinh con thứ ba, thứ tư nên đang phải đợi xin ý kiến của Tỉnh ủy”.

       Chi bộ thôn Cư Tê tổ chức kết nạp đảng viên cho đồng chí Hùng Đình Sình, người dân tộc Mông vào tháng 7-2018.
Chi bộ thôn Cư Tê tổ chức kết nạp đảng viên cho đồng chí Hùng Đình Sình, người dân tộc Mông vào tháng 7-2018.

Tương tự, Chi bộ thôn Ea Rớt cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên mới. Năm 2014, Chi bộ kết nạp được 1 đảng viên là người dân tộc Mường nhưng năm 2017 đã chuyển sinh hoạt đi nơi khác. Từ đó đến nay, chi bộ không kết nạp được đảng viên nào là người tại chỗ; 3 đảng viên hiện nay đều do Đảng ủy Cư Pui tăng cường. Đồng chí Nguyễn Minh Nghiệp, Bí thư Chi bộ thôn trăn trở: “Hiện nay trong thôn có một số quần chúng đã học xong lớp nhận thức về Đảng và đang được Chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ. Tuy nhiên, việc kết nạp các quần chúng này vào Đảng cũng gặp khó khăn vì lý do trắc trở trong quá trình thẩm tra lý lịch ở quê, vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; một số đối tượng thì thiếu sự phấn đấu, rèn luyện”.

Ea Uôl là thôn có đông đồng bào dân tộc Mông với 307 hộ, 2.215 khẩu. Thôn đã thành lập Chi bộ và kết nạp được 3 đảng viên là người Mông song hiện nay có 2 đảng viên xin đi làm ăn xa nên Chi bộ chỉ còn lại 1 đảng viên khiến Đảng ủy xã Cư Pui phải tăng cường thêm 2 đảng viên về cùng sinh hoạt. Trong số 6 chi bộ ở các thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui thì chỉ có Chi bộ thôn Cư Tê gặp thuận lợi trong việc phát triển đảng viên tại chỗ. Từ năm 1996 đến nay, Chi bộ đã kết nạp được 5 đảng viên là người Mông. Đồng chí Hùng Xuân Thành, Bí thư Chi bộ chia sẻ: “Việc kết nạp đảng viên trong Chi bộ khá thuận lợi là do các đối tượng được kết nạp Đảng có tuổi đời còn trẻ, mới lập gia đình, không vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, học vấn đều tốt nghiệp THCS trở lên, lý lịch thẩm tra thuận lợi, được Đảng ủy và Chi bộ quan tâm, giúp đỡ tận tình. Trong năm 2019, Chi bộ phấn đấu kết nạp thêm 1 đảng viên người Mông nữa”.

Để tăng cường công tác kết nạp đảng viên ở các thôn đồng bào Mông, vừa qua Đảng ủy xã Cư Pui đã tăng cường một số đồng chí là Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về làm bí thư ở một số chi bộ và điều động một số đảng viên là giáo viên ở các trường học vào sinh hoạt, giúp cho các chi bộ có thêm đảng viên. Đồng chí Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui khẳng định: “Trong thời gian tới, Đảng ủy xã quyết liệt chỉ đạo các chi bộ ở các thôn người Mông tăng cường công tác kết nạp đảng viên, quyết tâm từ nay đến tháng 6-2019 sẽ kết nạp được đảng viên là người Mông ở Chi bộ thôn Ea Rớt và Chi bộ thôn Ea Bar”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.